Phụ Trương

Phụ trương  A
Đại Học Hè Việt Nam Hải Ngoại
Một đóng góp cho cuộc phục hưng văn hóa

Phụ trương  B
Tnh thần Nguyễn-Trường-Tộ

Phụ trương CXưng hô trong gia đình Việt nam


Phụ trương  D
Nhớ lại ý nghĩa Thi Ca của Cổ Nhân
Đọc tập thơ Kinh Vô Thường
của nhà thơ Võ Thạnh Văn

Phụ trương E
Phát biểu về ba tác phẩm
Về nguồn, Thức tỉnh
Vietnam, a painful transition
của LS Lâm Lễ Trinh

Phụ trương F
Tiển biệt một người bạn

Điếu văn Đọc trong ngày lễ an táng Lm GS Nguyễn Văn Thành


PHỤ TRƯƠNG

Phụ trương  A

Đại Học Hè Việt Nam Hải Ngoại
 Một đóng góp cho cuộc phục hưng văn hóa

1.      Tổng quát về diễn tiến phát triển giáo dục, văn hóa tại việt Nam cho  đến năm 1975

Vào thế kỷ XI, dưới thời nhà Lý, không lâu sau khi Đinh Bộ Lĩnh công khai tuyên bố thành lập quốc gia theo chế độ quân chủ tập quyền[1], tổ chức giáo dục tuy chưa phổ biến, nhưng đã đạt đến tầm mức quốc gia. Nền giáo dục đó dường như nối kết hai nội dung học tập và hành đạo (trong việc thực thi các chức vụ điều hành xã hội[2]) làm một, vì thế ta được thấy các tài liệu sử ghi lại như sau:
« Năm Ất Mão (1075) mở khoa thi tam trường để lấy người văn học vào làm quan... Năm Bính Thìn (1076) lập Quốc Tử Giám để bổ những người văn học vào dạy. Đến năm Bính Dần (1086) mở khoa thi chọn người văn học vào Hàn Lâm Viện... »[3]
Về chương trình giảng dạy và thi cử, thì suốt trong hơn tám thế kỷ tiếp theo, người ta vẫn noi theo mẫu mực giáo dục truyền thống của các triều đại quân chủ Trung Hoa. Cuốn Đại Việt Sử Lược, tài liệu được đánh giá là một trong những bộ sách sử xưa nhất của nước ta, đã tóm lược chương trình đó như sau:
« Đầu mùa đông (năm 1179) - Vua Lý Cao Tông), vua ngự ở điện Sùng Chương coi khoa thi Tam Giáo (Nho, Thích, Lão). Các con em thi viết bài thơ xưa và làm các môn: thơ, phú, kinh nghĩa và toán »[4].
Qua đến đời Trần, Lê, Nguyễn thì càng ngày tính cách từ chương và ảnh hưởng của Tống Nho lại càng rốt ráo hơn nữa.
Đến thế kỷ XIX, sau một thời gian khá dài tiếp xúc với người phương Tây, với những xung đụng khó khăn, lắm lúc đầy máu và nước mắt, dân tộc Việt Nam khám phá được những mẫu mực xã hội, văn hóa khác hơn khung cảnh truyền thống, và người ta cũng phải nhận ra rằng muốn sống còn và phát triển trong cộng đồng nhân loại, khẩn thiết cần có những cuộc cải cách. Một trong những người tiên phong can đảm đề xuất công cuộc canh tân xã hội lúc bấy giờ là nhà nho Nguyễn Trường Tộ (1827-1871). Về phương diện văn hóa, giáo dục, ông Nguyễn Trường Tộ đã can đảm dâng lên vua Tự Đức bản điều trần năm 1866, nêu lên những khuyết điểm của lối học cũ và đề xuất một chương trình cải cách nhằm giúp người đi học có được những kiến thức khoa học, kỹ thuật, một đường hướng đào tạo con người dựa trên một nền nhân bản thực tế, cởi mở, có sức thăng tiến nhân cách cá nhân và tinh thần phục vụ cộng đồng. Nhưng, một mặt vì bị câu thúc bởi một nếp sống suy tư đầy tiền kiến và mặc cảm, mặt khác vì lo sợ những mưu đồ đen tối của thực dân ngoại quốc, triều đình và quan lại không dám tự kiểm thảo và khởi công thực hiện các cuộc cải cách cần thiết.
Phải đợi đến đầu thế kỷ XX, sau những thất bại dồn dập: mất dần các phần lãnh thổ quốc gia vào tay thực dân, dân chúng nghèo đói, nổi loạn và cuối cùng mất luôn sự tự chủ..., và do tình trạng thay đổi các cơ cấu xã hội: sự xuất hiện của các thị tứ nặng nề thương mại kèm theo những sinh hoạt văn hóa độc lập với sinh hoạt của nhà nước như báo chí, phát hành sách vở viết bằng chữ quốc ngữ, một đợt cải cách mới bắt đầu thực hiện. Trong thập niên đầu tiên của thế kỷ này, chương trình thi được chính thức thay đổi. Chính quyền thực dân mở ra một số trường chuyên nghiệp trong đó có trường Y Khoa (1901) và thiết lập lần đầu tiên một Đại Học trên lãnh thổ Việt Nam, gọi là Đại Học Đông Dương (Université Indochinoise, 1908). Nhưng lối học này còn có tính cách hạn chế, gò bó, cắt đầu cắt đuôi thể theo nhu cầu và quyền lợi của ngoại bang. Tuy có những giới hạn như thế, các nỗ lực cải cách, đặc biệt do sáng kiến của các nhóm tư nhân trong các sinh hoạt quần chúng, vẫn nhân tăng trong tiền bán thế kỷ. Phần lớn các cuộc cải cách có tầm vóc thay đổi cuộc sống và tầm thức quần chúng đều do nỗ lực và sáng kiến của các thế hệ trí thức trẻ, tài ba và can đảm; có thể nói tiền bán thế kỷ XX là một mùa triển nở các nhân tài trẻ của lịch sử dân tộc trong hầu hết các bộ môn sinh hoạt.
Mặc dầu chương trình cải cách luôn minh thị đề xuất một đường lối Âu hóa hầu như triệt để, một hình thức cách mạng muốn tống khứ toàn bộ truyền thống xã hội cũ được xem là quá lạc hậu và sai trái. Nhưng trong thực tế, cuộc cải cách này thường là một sự dung hợp, đào sâu những giá trị vững chãi của truyền thống dân tộc song song với việc cập nhật, có chọn lựa, các giá trị Tây Phương, để dần hồi tìm ra những lối sống riêng của mình.
Trong lãnh vực văn hóa, các nhà nghiên cứu nỗ lực cho phát hành những bản dịch, phần lớn có chú giải và phê bình, những bản văn cổ điển của truyền thống văn hóa Á Đông, đặc biệt là tư tưởng Nho, Phật, Lão ra chữ quốc ngữ. Song song, các tác phẩm văn chương, triết học của Tây Phương cũng được phát hành bằng ngôn ngữ Việt Nam, nhằm giới thiệu cho quần chúng. Cũng trong thời kỳ này, các công trình về Việt Học được hệ thống hóa lại thành những bộ môn riêng: sử ký, văn minh, địa lý, ngôn ngữ, thể chế, tôn giáo... và dần dà được đưa vào chương trình giáo dục ở các cấp. Đến năm 1948, Đại Học Đông Dương cải tổ và trở thành Đại Học Hà Nội. Phân Khoa Văn Khoa, tuy còn xếp nếp theo lối dạy của Pháp, nhưng cố gắng cập nhật với những đòi hỏi của xã hội và văn hóa Á Đông. Trong bộ môn triết học, các tư tưởng Á Đông được giảng dạy song song với chương trình triết học Phương Tây.
Năm 1954, hiệp định Genève chia cách đất nước. Hầu như toàn bộ tổ chức Đại Học và nhân sự giảng huấn dời vào Sàigòn theo làn sóng người di cư tìm tự do. Miền Bắc hoàn toàn được tổ chức và sinh hoạt trong khuôn khổ của ý thức hệ Mác Lê. Ỡ Miền Nam, sau khi giành lại nền độc lập, tuy phải đối đầu với muôn ngàn khó khăn, vẫn tiến hành nhanh chóng các chương trình canh tân. Mạng lưới giáo dục cấp tiểu học, trung học được thực hiện hết sức nhanh chóng. Chương trình học uyển chuyển ứng dụng một chính sách Việt Nam hóa theo hướng canh tân, cập nhật với nền giáo dục chung của thế giới. Việt hóa trong nỗ lực tuyệt đối dùng tiếng Việt, chữ quốc ngữ; Việt hóa nội dung các bộ môn khoa học nhân văn; Việt hóa mục tiêu giáo dục nhằm thăng tiến những con người Việt Nam cụ thể, phát triển cộng đồng của những con người Việt Nam. Về mặt tổ chức học đường, giảng dạy các bộ môn khoa học và kỹ thuật, các kiến thức văn hóa tổng quát của thế giới, thì nền giáo dục Việt Nam lúc bấy giờ đã cập nhật tức khắc chương trình chung của các quốc gia Tây Phương.
Trong sinh hoạt giáo dục Đại Học, sau một thời gian ngắn ổn định lại chương trình (tiến hành Việt Hóa), phương cách tổ chức cho Đại Học Sàigòn (Đại Học Hà Nội chuyển vào), tuần tự các Đại Học mới được khai sinh. Năm 1957, thành lập Đại Học Huế; và trong 15 năm từ năm 1960 đến năm 1975 hơn mười trường Đại Học cấp quốc gia, cấp địa phương, công cũng như tư được mở ra, không kể đến những học viện chuyên ngành, các trường cao đẳng chuyên môn và kỹ thuật khác.
Về mặt văn hóa, đặc điểm của nền giáo dục Đại Học Việt Nam là sự hiện diện của các Ban Triết Học trong các trường Văn Khoa. Tuy nhân sự giảng huấn rất hạn chế, các Đại Học tân lập vẫn ưu tiên xây dựng ban này, đồng thời lưu ý tăng cường các giáo trình và tư tưởng Việt Nam, song song với các giáo trình về triết học Tây Phương và Đông Phương.

2-      Việt Nam Hải Ngoại và Sinh Hoạt Văn Hóa Giáo Dục

Sau biến cố 1975, toàn thể lãnh thổ Việt Nam đặt dưới sự kiểm soát của chế độ Cộng Sản. Tất cả các chương trình cải cách về giáo dục, phát triển văn hóa trong 20 năm trước đó tại Miền Nam Việt Nam đều bị xóa bỏ.
Hơn hai triệu người dân tuần tự bỏ nước ra đi và tị nạn tại khắp các quốc gia trên thế giới. Tình tự dân tộc, giao tế nhân sự, sự xuất hiện các cộng đồng nhỏ, lớn tùy địa phương, và hàng trăm ngàn lý do khác đã tạo nên một thực tế lịch sử đặc biệt, có tên gọi là Việt Nam Hải Ngoại.
Tuy con số đó không đông, nhưng người ta tự xác tính đây là sự cô đọng của một Việt Nam Chân Thực, khác với thực thể méo mó theo hình ảnh mà chế độ đã làm cho họ phải đành đoạn bỏ nước ra đi. Nhưng trớ trêu của thực tế xã hội, những cá nhân, những gia đình của cộng đồng những con người tị nạn đó lại phải đối phó với hoàn cảnh khó khăn của cuộc sống vật chất để sống còn và hội nhập với khung cảnh xã hội mới. Và hơn 20 năm vừa trôi qua, người ta giật mình nhìn lại, thì thấy có một tình trạng hầu như èo ọp về mặt phát triển văn hóa:
--- Do sự hững hờ về tình hình liên đới quốc tế trong nỗ lực bảo vệ một nền văn hóa có nguy cơ bị gián đoạn, do hấp lực của một nền văn minh khoa học kỹ thuật ưu thắng hiện nay, các sinh hoạt văn hóa nói chung và đặc biệt nỗ lực tiếp tục truy cứu và phát triển cuộc sống văn hóa của dân tộc có tầm vóc quy mô không còn được lưu ý đúng mức. Hệ quả là Việt Nam Hải Ngoại không có được một tổ chức, cơ cấu sinh hoạt nào có một tầm mức đáng kể ở cấp Đại Học, quốc gia. Các công trình nghiên cứu, các tác phẩm văn hóa đáng kể xuất hiện bất chừng, hiếm hoi.
--- Thế hệ trẻ đạt nhiều thành quả cao trong việc học hành, đặc biệt là ở cấp Đại Học. Tuy nhiên, hầu hết đầu hướng đến các ngành khoa học kỹ thuật. Vào các năm đầu thập niên 90, người ta ước lượng có trên 200,000 thanh niên tốt nghiệp tại các Đại Học trong các quốc gia định cư. Nhưng thành quả đó cũng kèm theo một cảm nhận thấy mình mất mát hay thiếu một cái gì đó trong việc phát triển con người toàn diện. Có thể nói ở đây là một khủng hoảng về bản sắc văn hóa mà một số thanh niên đã gặp phải.
--- Sự liên tục của cuộc sống văn hóa, tồn tại và phát triển từ thế hệ này qua thế hệ khác có nguy cơ gián đoạn. Những người lớn tuổi có kiến thức về văn hóa thì không còn khả năng sinh hoạt, giới trung niên và thế hệ trẻ thì không được chuẩn bị đúng mức để tiếp tục các công trình nghiên cứu, phát huy truyền thống văn hóa của dân tộc mình.

3. Đại Học Hè VNHN, một cống hiến khiêm tốn nhằm phục hoạt nếp sinh hoạt văn hóa hải ngoại
Ngày nay, ai ai cũng nhận ra sự khẩn thiết phải có những cải cách để cho dân nước được sống còn và phát triển trong cộng đồng nhân loại. Người ta đã bắt đầu công cuộc cải cách, và thường được nêu lên là một sự thay đổi chính sách kinh tế đến một mức nào đó tại quê nhà. Nhưng bên cạnh những yếu tố mà người ta cố tình lãng quên, có yếu tố văn hóa.
Trong mục tiêu nhằm nêu lên sự khẩn thiết của cuộc sống văn hóa, một yêu tố có tầm quan trọng đặc biệt để có thể xây dựng lại xứ sở, thăng tiến công cuộc phát triển toàn diện của con người, một nhóm người Việt Nam Hải Ngoại đã gặp gỡ nhau trong tháng 10 năm 1995 tại Strasbourg, Pháp để thành lập một cơ sở sinh hoạt văn hóa, lấy tên là Trung Tâm Nguyễn Trường Tộ. Nỗ lực này nhằm:
--- Chủ trương một hướng phát triển toàn diện con người và dân tộc, trong đó yếu tố văn hóa không bị lãng quên.
--- Tạo những cơ hội để những người có khả năng về văn hóa có thể gặp gỡ để cùng nhau đề xuất và thực hiện các chương trình sinh hoạt có tầm vóc quy mô trong lãnh vực này.
--- Giúp cho các người trẻ Việt Nam hải ngoại có được những kiến thức văn hóa cần thiết để bổ sung công cuộc đào tạo và giáo dục của họ.
Đại Học Hè đã được đề nghị như một chương trình đào tạo khả thể trong hoàn cảnh đặc biệt của cộng đồng người Việt Hải Ngoại, và hy vọng đáp ứng được một phần các mục tiêu do Trung Tâm Nguyễn Trường Tộ chủ trương:
a. Tổ Chứa Đại Học Hè
--- Ban Tổ Chức: Do trách nhiệm của Trung Tâm Nguyễn Trường Tộ.
--- Ban Giảng Huấn và Sinh Hoạt: Các Giáo Sư, cựu Giáo Sư người Việt Nam tại Hải Ngoại, các Nhà Nghiên Cứu về Văn Hóa Việt Nam, các Nhân Vật đã từng lãnh đạo hay có kinh nghiệm sinh hoạt cộng đồng...
b.  Chương Trình
--- Chương trình toàn bộ của Đại Học Hè được thực hiện trong bốn khóa liên tục trong bốn năm: mỗi khóa kéo dài một tuần lễ, được tổ chức vào tuần lễ đầu của mỗi tháng tám.
--- Chương trình phối hợp các giáo trình với các sinh hoạt khác giúp học viên tiếp nhận tinh thần phục vụ cộng đồng, ý thức nhu cầu của cuộc sống siêu nhiên, kết chặt thêm tình huynh đệ qua các cuộc giải trí lành mạnh.
--- Các giáo trình gồm năm nội dung chính:
·                    Văn Hóa và Văn Minh Việt Nam
- Các huyền thoại dựng nước.
- Tập tục và thể chế.
- Các tôn giáo tại Việt Nam.
- Tư tưởng, triết lý Việt Nam.
·                    Ngôn Ngữ và Văn Chương Việt Nam
- Tiếng Việt và Chữ Việt.
- Tổng quát về Lịch Sử Văn Học.
- Trình bày một vài Tác Phẩm Cổ Điển.
·                    Việt Sử
- Thời Lập Quốc và Bắc Thuộc.
- Thời Tự Chủ.
- Thời Pháp Thuộc.
- Thời Hiện Đại.
·                    Nghệ Thuật
- Ca, Vũ, Nhạc, Kịch, Điện Ảnh Việt Nam.
- Nghệ Thuật Tạo Hình.
- Sinh hoạt Nghệ Thuật trong đời sống: Nghệ thuật Trang Trí, Võ Thuật, Ăn, Ở, Mặc...
·                    Phát triển Nhân Cách
- Nhân Cách và Trưởng Thành.
- Bản sắc Dân Tộc và Hội Nhập.
- Tinh thần Phục Vụ cộng đồng, năng động Tập Thể, Lãnh Đạo, kỹ thuật Truyền Thông...
- Ý nghĩa Cuộc Sống và ý hướng Siêu Nhiên.

c. Thực Hiện
Khóa Đại Học Hè lần đầu tiên đã được tổ chức tại tu viện dòng Xitô Việt Nam tại Orsonnems, Thụy Sĩ từ ngay 4 đến 11.08.1996. Khóa này quy tụ 147 người Việt Nam Hải Ngoại đến từ 15 nước ở Âu Châu, từ Đài Loan, Hoa Kỳ, Gia Nã Đại, trong đó có 12 giáo sư và cựu giáo sư các Đại Học, một số học giả và nghệ sĩ, 20 người giúp sinh hoạt và thuộc Ban Tổ Chức, 112 học viên từ 18 đến 45 tuổi.
Trong suốt tuần lễ học hỏi, thảo luận và sinh hoạt, một bầu khí thân mật, đối thoại, cảm thông đã nối kết những thế hệ khác nhau, những tín đồ của nhiều tôn giáo khác biệt...
Kết quả tốt đẹp đó khích lệ Trung Tâm Nguyễn Trường Tộ tiếp tục tổ chức các khóa Đại Học Hè Việt Nam Hải Ngoại thường niên :

-    Khóa hai, từ 3 đến 10 tháng tám 1997, cũng tại địa điểm cũ với chủ đề : Việt nam, thời hoàng kim, với sự tham dự của 85 sinh viên, 10 huớng dẩn viên sinh hoạt, ban tổ chức và 15 giáo sư.
-    Khóa ba, tuần lễ đầu tháng tám năm 1998, tại Trung Tâm Văn Hóa Maison de l’Asnée, Nancy, Pháp, với chủ đề :Đại Nam trong cơn khủng hoảng, với sự tham dự của 89 sinh viên, 10 huớng dẩn viên sinh hoạt, ban tổ chức và 12 giáo sư.
-    Khóa bốn, tuần lễ đầu tháng tám năm 1999, tại Trung Tâm Văn Hóa Maison de l’Asnée, Nancy, Pháp, với chủ đề : Việt Nam trên mọi nẻo đường đất nước, với sự tham dự của 95 sinh viên, 12 huớng dẩn viên sinh hoạt, ban tổ chức và 14 giáo sư.
-    Khóa năm, tuần lễ đầu tháng tám năm 2001, tại Trung Tâm Văn Hóa Maison de l’Asnée, Nancy, Pháp, với chủ đề : Tình yêu, gia đình và hội nhập, với sự tham dự của 98 sinh viên, 11 huớng dẩn viên sinh hoạt, ban tổ chức và 16 giáo sư.
-    Khóa sáu, tuần lễ đầu trháng bảy năm 2002, tại Trung Tâm Văn hóa  Romerike FolkeHoègskole, Jessheim, gần Oslo, Na Uy, chủ đề như năm cũ, với sự tham dự của 55 sinh viên, 12 huớng dẩn viên sinh hoạt, ban tổ chức và 10 giáo sư.
-    Khóa bảy, tuần lễ đầu tháng tám năm 2003, tại Trung Tâm Văn Hóa Violau, gần thành phố Munich, Đức quốc, với chủ đề : Tuổi trẻ và sinh hoạt cộng đồng, với sự tham dự của 90 sinh viên, 14 huớng dẩn viên sinh hoạt, ban tổ chức và 11 giáo sư.

d.  Một Sứ Điệp Văn Hóa
Vào thế kỷ XIX, dân tôc Việt Nam chúng ta đã mất đi một dịp may trong nỗ lực canh tân xứ sở. Hậu quả là từng thế hệ sau đó phải cam chịu những hoàn cảnh đau thương. Và tình cảnh xé nát dân tộc làm hai mảnh trong và ngoài nước ngày nay là một trong những hậu quả đáng buồn đó.
Hoàn cảnh Việt Nam ngày nay phức tạp và khó khăn hơn cả hoàn cảnh trước đây, vào cuối thế kỷ XIX. Cần phải canh tân, nhu cầu đó không còn ai bàn cãi nữa. Nhưng cuộc canh tân này phải chăng chỉ giới hạn trong những chương trình cải cách về định chế, chính trị, kinh tế mà thôi không? Hẳn nhiên những cải cách đó rất cần, nhưng cần thiết hơn cả, và khó khăn, sâu xa hơn đó là nỗ lực phục hoạt lại nền văn hóa.
Nếu khó khăn ngày nay rất khó vượt qua, thì mặt khác lại có rất nhiều yếu tố tích cực hơn cho phép chúng ta tin tưởng về một tương lai tốt đẹp.
Dân chúng Việt Nam ngày nay có tinh thần kiểm thảo rất cao, cởi mở hơn, sẵn sàng tiếp nhận những cải cách cần thiết. Vốn cao quý nhất của dân tộc là con người. Và chúng ta chứng kiến từng triệu người trẻ Việt Nam tài ba và đại độ, đặc biệt từng trăm ngàn người trẻ Việt Nam Hải Ngoại, trong nỗi ray rứt xa quê lại có may mắn sống và tiếp xúc với nhiều nền văn hóa, nhiều xã hội khác nhau. Hoàn cảnh đó hiện họ phải truy cứu những giá trị tinh hoa, nền tảng của văn hóa dân tộc để có thể múc lấy được nguồn văn hóa sâu kín và bao la ôm trọn những khác biệt của các mẫu mực xã hội khác nhau trong nhân loại. Từ nền tảng chung này của nhân loại, họ hội nhập được với hoàn cảnh xã hội địa phương đồng thời đóng góp vào việc phát huy, phong phú hóa sinh hoạt văn hóa dân tộc.
Đại Học Hè, một cống hiến khiêm tốn cho việc đào tạo một số thanh niên Việt Nam Hải Ngoại về mặt văn hóa; nhưng qua nỗ lực này, nó cũng nhằm thực hiện một bản điều trần nêu lên vai trò thiết yếu của văn hóa trong công cuộc canh tân xã hội Việt Nam hiện nay: vận mệnh dân tộc Việt Nam tùy thuộc vào những nỗ lực cải cách các định chế, nâng cao cuộc sống kinh tế quốc dân, nhưng tiên quyết nó tùy thuộc vào ý thức của chúng ta về các giá trị của nhân phẩm và sự phát triển văn hóa.
Đại Học Hè phát sinh từ một thực tế lịch sử đặc biệt của một cộng đồng dân tộc sống xa quê, kết tập những người thanh niên đồng hương nhưng đến từ những quốc gia khác nhau trên thế giới, để tiếp thu những giá trị văn hóa khác trong đại kýức của bao thế hệ đã qua hầu đối chiếu với những nếp sinh hoạt đa diện của các xã hội khác nhau mà họ phải hội nhập. Đại Học Hè đó đang nhận ra một dấu chỉ của một liên bờ đại dương văn hóa bao la và sâu rộng, tiến gần một quê hương chung ôm trọn tất cả những người con của nhân loại.
Dấu chỉ thời đại đó, kinh nghiệm hải ngoại đó ấp ủ một tia hy vọng về những đợt tư tưởng sinh động, mới mẻ có thể cống hiến cho công cuộc phát triển Việt Nam trong tương lai, đồng thời đóng góp vào tiến trình hội nhập và đối thoại giữa các cộng đồng các dân tộc.







Phụ trương  B


Tnh thần Nguyễn-Trường-Tộ


Tập San Ngày Mới phỏng vấn Gs Nguyễn Đăng Trúc

Năm 2001, Paris, Pháp

           
Thế kỷ XIX dân tộc Việt Nam bị mất nước không phải tại ngành quân sự của ta yếu kém, cũng không phải tại nền khoa học kỹ thuật của ta thiếu mở mang hay dân ta thiếu nhân tài. Chúng ta bị mất nước vì đại đa số dân ta đã thờ ơ trước thời cuộc, lại bảo thủ, không biết mở tầm nhìn đến những tiến triển của thế giới qua những diễn biến về tư tưởng, quan niệm về chính trị xã hội, cùng những tương quan trong cuộc sống hoàn vũ thời đó. Đại đa số, từ vua, quan đến dân, bị giam hãm trong tháp ngà lạc hậu mà cứ tưởng rằng mình văn minh xuất chúng hơn người.
            Tuy nhiên lúc đó vẫn có những người ý thức được thời cuộc, mặc dầu chỉ là thiểu số, nhưng họ đã thiết tha mong ước một một cuộc đổi mới để đất nước được thăng tiến theo kịp với sự tiến triển của thế giới.
            Một trong những nhà yêu nước đó, chúng tôi xin đề cập đến Nguyễn Trường Tộ, người mang nặng ưu tư về quê hương, dân tộc đã đem tim óc viết lên những bản điều trần, ngay cả khi nằm trên giường bệnh : "Hiện nay tôi đau bệnh tê thấp, gần thành người phế tật, phải nằm ngửa trên giường mà viết ..." với hoài vọng đất nước được đổi mới.
            Tiếc thay, những bản điều trần đó đã không có hiệu lực trước vua quan thời đó mà chỉ là tiếng kêu trong sa mạc !
            Hơn một thế kỷ qua, nguy cơ mất nước của dân ta vẫn còn đó, tuy nhiên không giống như thời trước. Nhưng vẫn bị đe dọa dưới nhiều hình thức, trầm trọng hơn cả là sự đói nghèo và sự kém mở mang dân trí sẽ dẫn đến tình trạng hiểu biết lơ mơ về tự do, dân chủ, bình đẳng nên không đủ sức (trình độ) để bảo vệ nhân quyền cho chính mình, nói chi đến việc bảo vệ cho những người khác.               
            Bước vào thiên niên kỷ thứ ba, kỷ niệm 130 năm (1871-2001) ngày tạ thế của nhà chí sĩ Nguyễn Trường Tộ, Ngày Mới xin "tái tích",  nghĩa là "nhắc lại chuyện xưa" để vinh danh Tinh Thần Nguyễn Trường Tộ vì Người là niềm tự hào của chúng ta.
             Với tinh thần đổi mới của "Người xưa", chúng ta hãy canh tân tư duy, đổi mới cái nhìn của mình để cùng nhau tranh đấu cho nhân quyền ở VN được phục hồi, để dân tộc được thật sự đổi mới trong tự do công bằng.
            Thế kỷ XIX, vua Tự Đức và triều thần đã bỏ qua những lời "điều trần" về đổi mới của Nguyễn Trường Tộ, vua quan thời đó lại còn nghi ngờ, bài xích, khiến nhà chí sĩ đành ôm hận mà qua đời với hai câu nổi tiếng :

Nhất thất túc thành thiên cổ hận
Tái hồi đầu thị bách niên cơ.

có nghĩa là : Một bước sa chân, nghìn đời mang hận
                     Quay đầu nhìn lại, cơ đồ đã hóa trăm năm.

Nhân dịp nầy, Ngày Mới tiếp chuyện với giáo sư Nguyễn Đăng Trúc, Giám đốc Trung Tâm Nguyễn Trường Tộ ở Strasbourg :

1/ Ngày Mới : Những bản điều trần mà Nguyễn Trường Tộ đã viết cách đây hơn một thế kỷ, cho đến hôm nay, chúng ta vẫn thấy trong đó những kiến giải hết sức sáng suốt về các vấn đề xã hội, kinh tế, chính trị, quân sự, ngoại giao v v ... Hệ thống tư duy canh tân của Nguyễn Trường Tộ đã vượt ra khỏi những hạn chế bảo thủ của vua quan thời đó để đưa một luồng sáng rọi vào đám sương mù dày đặc của thành kiến nho giáo, thành kiến tôn giáo và sự mê muội của chế độ phong kiến thời đó. Theo giáo sư, những bản điều trần đó còn hợp thời cho sự đổi mới quê hương trong giai đoạn này nữa không ?

Giáo sư Nguyễn Đăng Trúc : Chúng ta ghi nhận hình ảnh Nguyễn Tường Tộ như một kẻ sĩ dấn thân, can đảm, một nhà canh tân xã hội. Những đặc tính đó là những giá trị trường tồn, hợp cho mọi thời đại, là thước đo phẩm chất của một nền văn hóa.Thái độ can đảm lên tiếng cảnh giác triều đình và nội dung các bản điều trần phản ảnh rõ rệt những đức tính của một kẻ sĩ chân thực. Những đề xuất cải cách mà NTT nêu lên là những điểm mới lạ (đôi lúc làm cho vua quan và dân chúng thời bấy giờ khó chịu), thực tiển trong bối cảnh lịch sử vào hậu bán thế kỷ 19 của đất nước. Nhưng nêu lên từng đề nghị trong các bản điều trần ấy để áp dụng cho thực tế lịch sử hôm nay thì đi ngược lại với chính tinh thần canh tân trường kỳ của tác giả, vốn là một nhà Nho sâu sắc am tường câu châm ngôn bất hũ nầy :' nhật tân, nhật nhật tân, hựu nhật tân '. Tuy thế chúng ta cũng vẫn đọc được rất nhiều đề nghị  có giá trị bền vững, đặc biệt để cảnh giác các nhà lãnh đạo ngày hôm nay như chủ trương tự do tôn giáo, mở rộng tầm nhìn ra với thế giới, bảo vệ môi sinh, tinh thần khoa học và liên đới ...

2/ Ngày Mới : Khi đề cập đến việc làm cho dân giầu nước mạnh, Nguyễn Trường Tộ viết : "Tôi thiết nghĩ  trong ngũ phúc, phú đứng đầu" (Di thảo số 53). Vì theo Nguyễn Trường Tộ : "Cách làm cho nước mạnh là ở chỗ tạo được nhiều của. Của cải nhiều thì lương thực đủ, khí giới tinh, thành trì vững, quốc phí đầy, các việc lợi ích do đó mà sinh ra, các việc tai hại do đó mà giảm bớt." (Di thảo số 5). Khi đề cập đến lễ nghĩa, phong tục, Nguyễn Trường Tộ viết : "Nếu bị cái nghèo đói thúc bách thì lo kế sống cũng không xong, còn hơi đâu mà bàn lễ, nghĩa" (Di thảo số 18). "Cứ bị cái nghèo đói theo đuổi thì đến cha con cũng không bao bọc nhau được, còn hơi đâu nghĩ đến lễ, nghĩa, phong tục" (Di thảo số 53). Xin giáo sư vui lòng cho biết tinh thần Nguyễn Trường Tộ có còn hợp thời cho việc tái thiết quê hương trong giai đoạn hiện tại ?

GS Nguyễn Đăng Trúc : Tôi xin được phép suy rộng chủ ý câu hỏi của Ngày Mới thế nầy: phải chăng Ngày Mới muốn nói rằng qua đề nghị thực tiển và ăn khớp với nếp sống của người dân, Nguyễn Trường Tộ nhắc nhở cho vua quan thời bấy giờ và ngay cả cho chế độ quá nặng về ý hệ vu vơ hôm nay con đường hữu hiệu nhất để làm cho dân giàu nước mạnh? Nếu lối suy diển của tôi ăn khớp với chủ ý câu hỏi của Ngày Mới, thì  tôi xin thưa rằng: đúng vậy. Về điểm nầy, NTT không những có thể còn cảnh giác nhà cầm quyền hôm nay mà còn cảnh giác những người có trách nhiệm điều hành các sinh hoạt cộng đồng người Việt hải ngoại chúng ta. Chúng ta sinh hoạt như nhắm mắt chép lại một lối mòn từ thủa nào, lặp đi lặp lại tràng giang đại hải những lập luận mà con người Việt nam hôm nay không ai cảm nhận nửa, bất chấp hoàn cảnh, con người cụ thể, ước vọng và nhu cầu thực tế trước mắt. Ngoài ra, qua những nội dung mà câu hỏi của Ngày Mới nêu lên, chúng ta thấy NTT không hề công kích các giá trị tinh hoa của Đạo Lý truyền thống dẫu là từ Nho giáo, Đạo giáo, Phật giáo hay Thiên Chúa giáo. Những nội dung nầy không phải NTT đã chép lại đường lối Phú chi, Giáo chi, Cử hiền của Khổng giáo hay sao? Ông sâu sắc và cẩn trọng hơn những người làm văn hóa và các phong trào cải cách xã hội trong thế kỷ 20 khi phân biệt những nét trường kỳ mới mẽ trong các sứ điệp tôn giáo và văn hóa truyền thống và các thể chế áp dụng một cách bất cập và lạm dụng các giá trị nầy.

3/ Ngày Mới : Tính đến năm nay, Nguyễn Trường Tộ từ trần đã 130 năm, nhưng đọc lại những di thảo của Người, chúng tôi thấy rằng lịch sử nước nhà đã bỏ lỡ hai cơ hội "ngàn vàng", có thể tạo cho đất nước vươn lên mạnh mẽ. Đó là cái chết quá sớm của vua Quang Trung đã khiến Nguyễn Ánh rước voi về giầy mồ,  thứ hai là sự thờ ơ và bảo thủ của triều đình Tự Đức đã đánh mất đi một trí tuệ lỗi lạc vượt trên tầm thời đại. Theo giáo sư, luồng sáng Nguyễn Trường Tộ có thể soi vào trí tuệ của ngươì đời, vào thế hệ ngày nay nữa chăng ?

GS Nguyễn Đăng Trúc : Câu hỏi nầy có nhiều chữ ' nếu như ' quá, thật khó trả lời. Cho rằng vì Vua Quang Trung chết sớm đã khiến cho Nguyễn Ánh rước voi giày mồ, thì tôi xin thành thực thưa rằng, trong tinh thần tôn trọng các sự kiện khách quan của lịch sử, tôi không thấy được sự liên tục nguyên nhân-hậu quả giửa hai sự kiện nầy trong vấn đề thực dân Pháp đưa quân xâm lược nước ta sau nầy. Còn triều đình Tự Đức đã không tiếp nhận các chương trình cải tân đất nước mà các bản điều trần cống hiến, thì đúng sự kiện nầy là một đều bất hạnh cho đất nước. Câu hỏi thứ ba là xét xem phong cách và tinh thần NTT có còn được con người ngày nay mến chuộng và áp dụng hay không, thì như Ngày Mới chứng kiến trước mắt : Rất ít ai lên tiếng hay đặt bút chê bai NTT thế nầy, thế nọ một cách tiêu cực. Việc phê phán hay lên án NTT về điểm nầy hay điểm khác không phải tuyệt đối không xãy ra, nhưng sự kiện đó là những trường hợp hiếm hoi. Tuy nhiên, ca ngợi và yêu thích là một chuyện, mà có áp dụng tinh thần NTT hay không, đó là chuyện khác. Kẻ sĩ, kẻ có học già hay trẻ trong xã hội VN hôm nay còn dấn thân vì ích chung không? hay nồi ai thì người ấy lo? Kẻ có trách nhiệm, kẻ có học (kể cả các nhà lãnh đạo đạo cũng như đời) có được mấy người dám nói thật  để mô tả nổi khổ đau của kẻ áp bức, mất tự do, hay là ngậm tăm qua ải   cho yên phần mình? Các cộng đồng tôn giáo, báo chí, đảng phái, hội đoàn hôm nay đầu thế kỷ 21 có khác gì lề lối sinh hoạt vào đầu thế kỷ 20 không? Ngày Mới có thể tự trả lời... 

4/ Ngày Mới : Cuốn "Nguyễn Trường Tộ con người và di thảo" của linh mục Trương Bá Cần, xuất bản năm 1988, Đức Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Bình đã viết thư bầy tỏ ý kiến : "... Cuốn sách này rất bổ ích cho sự hiểu biết lẫn nhau giựa công giáo và không công giáo. Tôi có cảm tưởng là, trước một dư luận vốn cho rằng Công giáo đã góp phần vào việc mất nước, đồng bào Công giáo rất tự hào về một Nguyễn Trường Tộ với độ sâu và độ dày của nhân vật".    
Xin giáo sư cho biết cảm nghĩ của mình, nếu đã đọc cuốn sách nầy.

GS Nguyễn Đăng Trúc : Cuốn sách dày 516 trang , khổ lớn , của lm Trương Bá Càn sưu tập và xuất bản, tôi có mua và đọc. Đúng như lời nhận xét của Đức cố TGM Sài Gòn Nguyễn Văn Bình, nhiều người, nhiều tổ chức (nhất là vào thời điểm 1988 là năm phong thánh cho 117 vị tử đạo tại VN)  lên tiếng công khai đồng hóa công cuộc rao truyền Phúc Âm tại VN trước đây với sự kiện thực dân Pháp xâm lược nước ta, và sau đó là ngây ngô đồng hóa sứ điệp Phúc Âm với trào lưu văn minh tây phương. Tôi nghỉ rằng những nhập nhằng lịch sử giữa đạo đời ở bất cứ nơi nào, thời nào thì cũng vẫn có thể xảy ra; nhưng không vì một vài hiện tượng tiêu cực và hạn hẹp nào đó của lịch sử để có thể tổng quát hóa, phóng đại rồi đánh giá và lên án một sứ điệp tôn giáo, một cộng đồng tôn giáo cách nầy hay cách khác. Nguyễn Trường Tộ là một kẽ sĩ yêu dân yêu nước bên cạnh từng trăm ngàn người công giáo Việt Nam luôn tha thiết với hạnh phúc đồng bào mình như ông. Các vị truyền giáo ngoại quốc, nhiều quốc tịch khác nhau, cũng thương mến người dân Việt nam chúng ta và quí  trọng đất nước chúng ta. Nhưng đặc biệt hơn cả, qua tinh thần dấn thân và cung cách hành xữ của Nguyễn Trường Tộ, chúng ta có một điển hình của một kẻ sĩ khoan dung, phóng khoáng và vô chấp trong lối phục vụ công ích, vượt lên trên những ấm ức, nghi kỵ, căm thù nhân danh một quan điểm què quặt và sai lệch về tâm tình xem tôn giáo như một phe phái, vượt lên trên những toan tính lạm dụng tôn giáo để tranh chấp và tạo chia rẽ. 

5/ Ngày Mới : Trong thế giới ngày nay, giới trẻ được đặc biệt quan tâm trong mọi lãnh vực văn hóa, xã hội, kinh tế, chính trị, tôn giáo v v ..., phải chăng vì vai trò quan trọng của giới trẻ cho kỷ nguyên mới mà giáo hội cũng đặc biệt lưu tâm đến vai trò của thế hệ trẻ. "Trong xã hội ngày nay, giới trẻ làm thành một sức mạnh rất quan trọng ... Vai trò xã hội cũng như chính trị của họ mỗi ngày một thêm quan trọng, nhưng họ không  được chuẩn bị đầy đủ để đảm nhận những trọng trách mới ngày càng xứng hợp." (Vatican II,TD.12).
            Thế hệ trẻ VN được sinh ra và trưởng thành ở hải ngoại. Giáo sư suy nghĩ gì về thế hệ nầy? Có phương cách nào giúp thế hệ nầy hòa nhập mà vẫn gắn bó với quê hương?

GS Nguyễn Đăng Trúc : Tôi xin thành thực chân nhận  rằng các sinh hoạt cộng đồng, các vị lãnh đạo tôn giáo, chính trị của chúng ta đã chọn một lối mòn dễ đi là chỉ đóng khung lại trong thế giới của các bậc lão thành để dễ điều hành cộng đồng của mình hơn là dám can cường đương đầu với giới trẻ và nếp sống linh hoạt, phức tạp trước mắt. Chúng ta không nắm lấy  hiện tại và tương lai để đặt vấn đề và định hướng sinh hoạt, nhưng khi nhắc đến sinh hoạt cộng đồng là như vỗ về những kỷ niệm và các sụ kiện quá khứ, lấy quá khứ của thế hệ lão thành của mình  để làm khuôn mẫu và đánh giá nếp sống giới trẻ.  Còn về phía giới trẻ chúng ta thì  thay vì phải nói như TT Kennedy trước đây '' bạn đừng hỏi  đất nước làm gì cho bạn, nhưng bạn đã làm gì cho đất nước '',   tự tin tự lực như những người trẻ Nguyễn Thái Học, Phan Bội Châu ..., thì thường hay nại những thiếu sót của lớp đàn anh để tránh né dấn thân, hoặc chìm ngập vào khung cảnh văn hóa cá nhân chủ nghĩa ' tìm thành tích và thành công cá nhân, và cho lợi ích vị kỷ' hơn là đại độ dấn thân. Trong một khung cảnh văn hóa mà các giá trị quay quanh lợi ích vị kỷ thì làm sao phát triển được hứng khởi tinh thần phục vụ tha nhân và cộng đồng, làm sao tìm được một thao thức thành thực cho quê hương!  Nguyễn Trường Tộ cho chúng ta thấy rằng bên trên những đề nghị có tính cách kỷ thuật được viết ra, trước hết và quan trọng hơn hết là nhân cách vị tha, đại độ của tâm hồn kẻ sĩ chân thực.

6/ Ngày Mới : Khi đề cập đến văn hóa, đại đa số người Việt "có thói quen" dựa vào lời phê bình của vua nhà Thanh nói rằng Việt Nam là "văn hiến chi bang", rồi tự hào cho rằng nước ta "bốn ngàn năm văn hiến". Điều đó tuy có thỏa mãn lòng tự ái của dân tộc ta. Tuy nhiên nếu chỉ dựa vào đó mà mà không nghĩ đến việc cầu tiến. Theo giáo sư câu đó còn hợp thời nữa chăng ?

GS Nguyễn Đăng Trúc : Hãnh diện về quê hương, đất nước, lịch sử dân tộc mình là một tình cảm cao quí. Nhưng nhắc đi nhắc lại một cách thuộc lòng ' bốn nghìn năm văn hiến ' bên tai giới trẻ mà không giải thích ý nghĩa tượng trưng, hoặc không minh chứng một cách khách quan, thành thực các sự kiện lịch sử thì chẳng khác chi là làm công việc phản chứng, đẩy con em chúng ta ( vốn được giáo dục theo tinh thần khoa học và thực nghiệm) vào tình trạng không tin tưởng vào lời nói của cha ông, hoài nghi ngay cả các giá trị cao cả của truyền thống chân thực. Riêng tại Âu Châu, sau thế chiế n thứ hai với những tội ác ghê rợn của chủ nghĩa quốc gia quá khích (nazi), giới trẻ không thể nào chấp nhận một lối trình bày về quốc gia dân tộc có tính cách hàm hồ, tự cao tự đại, lên án hay khinh khi các dân tộc khác để gián tiếp tôn vinh văn hóa dân tộc mình như tuyệt đĩnh cao siêu... Do đó, qua cung cách tiếp cận với các nền văn hóa đông tây và tình cảm tha thiết đối với các truyền thống văn hóa dân tôc mình của Nguyễn Trường Tộ, tôi nghỉ rằng tinh thần khai phóng của ông đáng được chúng ta lưu ý. Đúng vậy, tuổi trẻ con em chúng ta không biết, không mến chuộng văn hóa ViệtNam  thật là một bất hạnh, nhưng bất hạnh hơn một trăm ngàn lần nếu con em chúng ta rơi vào chủ nghĩa quốc gia quá khích, và nhất là nếu sự việc xãy ra là do lỗi của chính sự thiếu cảnh giác của chúng ta.

7/ Ngày Mới : Giáo sư nghĩ gì về viễn ảnh một nền văn hóa Việt Nam tại hải ngoại, nếu giới trẻ VN sống ở xứ người không thông thạo tiếng Việt ?

GS Nguyễn Đăng Trúc : Có hai vấn đề nêu lên ở đây. Chúng ta ai cũng biết  quê hương dân tộc không phải chỉ là có một mảnh đất và tập hợp một  số dân cư, và thế là đủ. Cuộc sống tinh thần, tình tự con người , lịch sử..., sinh hoạt văn hóa phải nói là tinh hoa của dân tộc và quê hương. Thế nhưng, chúng ta đã nói nhiều về khốn khổ của cuộc sống kinh tế, chúng ta  ý thức tình trạng thiếu tư do chính trị.. Nhưng mấy chục năm qua, nếp sinh hoạt văn hóa cá nhân cũng như cộng đồng thực sự không hề có tại quê hương, được mấy ai đặt thành vấn đề ! Chúng ta có thể mướn kỷ sư, chuyên viên  ngoại quốc, thay đổi thể chế chính trị  và ngay cả kêu gọi các nhà truyền giáo đến giúp chúng ta; nhưng thế hệ con em chúng ta hôm nay từ ngày sinh ra cho đến tuổi trưởng thành sống trong một sa mạc văn hóa, rồi đây chúng ta sẽ lấy ai , tìm đâu ra nhịp sống liên tục của tâm hồn Việt nam để xây dựng lại quê hương. Cộng đồng hải ngoại không gánh trách nhiệm ấy thì ai thay thế được đây! Thế nhưng chúng ta tự kiểm : đã đến lúc chúng ta ý thức được trách nhiệm ấy chưa? và ở cấp độ làm tài tử cho vui hay trên bình diện một tập thể có tầm vóc quốc gia ? Vấn đề thứ hai nêu lên có liên quan, nếu không nói là đã có giải đáp khi vấn đề vừa nêu lên được giải quyết: vấn đề biết và nói tiếng mẹ đẻ của con em chúng ta trong cộng đòng hải ngoại. Con em chúng ta dễ tiến hành việc học và nói tiếng mẹ đẻ khi chúng được thúc đẩy bởi nhu cầu yêu thích lối sống, khung cảnh sinh hoạt văn hóa, giao lưu bè bạn giữa chúng ta với nhau. Qua bốn kỳ tổ chức các Khóa Đại Học Hè cho các sinh viên, chuyên viên VNHN, tôi nhận thấy lúc đầu phần lớn các em không nói, hay chỉ nói bập bẹ tiếng Việt. Nhưng vì giao tế qua lại giữa các bạn ấy với nhau trong vài năm , xuyên qua nhiều quốc gia không dùng chung một ngôn ngữ, các bạn trẻ vì thích mà học tiếng Việt để nối kết tình bằng hữu. Kinh nghiệm đó còn hạn chế lắm, nhưng nó cũng giúp thêm một yếu tố để chúng ta suy nghĩ.

8/ Ngày Mới : Hoàn cảnh xã hội Âu Mỹ đã chi phối tâm tình người Việt lưu vong khiến một số người bị hoang mang, khủng hoảng. Tình trạng nầy cũng ảnh hưởng nhiều đến thế hệ trẻ. Theo giáo sư, có phương thức nào giúp giới trẻ quân bình hóa được với cuộc sống hiện tại ?

GS Nguyễn Đăng Trúc : Chúng ta khoan vội cho rằng giới trẻ ngày hôm nay bị ảnh hưởng văn hóa Âu Mỹ là một sự việc không hay, một cái gì đó mang tên là khủng hoảng, làm như xã hội Âu Mỹ hiện tại là trụy lạc, hư đốn. Qua một câu hỏi Ngày Mới nêu lên ở phần trên, tôi có dịp nhận đỵnh về giới trẻ trong khung cảnh văn hóa nói chung của thế giới hôm nay, chứ không riêng gì xã hội Âu Mỹ. Dẫu xã hội Âu Mỹ nầy có mang nhiều hình thức tự do quá lạm, nhưng là một xã hội tự do. Và đó là điểm  tích cực hàng đầu trong nếp sống xã hội. Trong khung cảnh tự do đó, con em chúng ta hưởng thụ một lối sống rất thành thực, cảm nhận sâu sắc những giá trị cao đẹp như thích làm việc, trách nhiệm cá nhân, ý thức công bằng xã hội, liên đới, bình đẳng và khoan dung tôn giáo, tôn trọng sự khác biệt chính kiến, khác biệt về dân tộc và văn hóa...Chúng ta không thể lấy một vài hiện tượng quá đà về  quan điểm tự do cá nhân ( chướng mắt so với nếp sống đạo đức truyền thống của chúng ta, nhất là trong vấn đề tính dục )  để đánh giá thấp những giá trị cao đẹp mà con em chúng ta đang hấp thụ được nơi xã hội Âu Mỹ. Và chúng ta cũng khiêm tốn nhận ra rằng thế hệ chúng ta không đưọc như thế hệ con em chúng ta về việc tiếp nhận và sống thực các giá trị vừa nêu. Nhưng trong bối cảnh văn hóa nầy, chúng ta cũng mường tượng thấy một cái gì đó rất quan trọng đang thiếu vắng trong nếp sống của con em chúng ta: tôi muốn nói đến chiều kích siêu nhiên. Và đối với quan điểm của tôi, chính chiều kích nầy là hồn của văn hóa. Trong bối cảnh của các các câu hỏi liên quan đến NTT, tôi cững tin rằng vì có một cuộc sống siêu nhiên sâu sắc mà NTT đã trở thành một kẻ sĩ đại độ, can cường và dấn thân.

9/ Ngày Mới : Trong những thập niên qua, cuộc sống xã hội đã và đang có nhiều sự đổi mới. Những thay đổi đó có thể làm thăng hoa cuộc sống và cũng có thể hủy họai đời sống xã hội và tôn giáo, vì đa số, con người đang chạy theo cuộc sống vật chất để thụ hưởng, thêm vào đó chủ nghĩa cá nhân đang bành trướng khiến con người xa dần cuộc sống tâm linh, đức tin lần hồi bị mai một. Theo giáo sư, làm cách nào có thể cứu vãn tình trạng nầy?

GS Nguyễn Đăng Trúc : Câu hỏi Ngày Mới nêu lên như đã trả lời phần nủa rồi. Về thắc mắc là tìm phương cách nào để cứu vãn, tôi thấy khi nêu lên vấn đề tôn giáo có lẽ chúng ta nên tìm câu giải đáp trong sứ điệp tôn giáo: tức là tôi và bạn đây chứ không ai khác phải thực hiện niềm tin tôn giáo của chính mình. Đó là phương thuốc hiệu nghệm nhất.

10/ Ngày Mới : Khi các học viên tham dự Đại Học Hè, ngoài việc lãnh hội các bộ môn văn chương, lịch sử, địa lý, nghệ thuật VN v v ... Sau khi mãn khóa, theo nhận xét của giáo sư, các học viên có ý thức được nền văn hóa VN là cần thiết cho đời sống của người Việt hải ngoại không ?

GS Nguyễn Đăng Trúc : Các học viên trước hết rất cảm động khi thấy các giáo sư hy sinh tận tụy một cách vô vị lợi để giúp họ. Tôi nhớ một kỷ niệm : vào mùa hè 1996, trong khóa Đại Học Hè đầu tiên chúng tôi tổ chức ở Tu Viện Xitô ViệtNam ở Orsonnens , Thụy Sĩ. Nhiều học viên thắc mắc hỏi tôi: Linh mục Viện Trưởng của nhà Dòng mà đi xắt  hành, lượm giá, còn linh mục lo giáo tập lại đặc trách nấu ăn, dọn ăn cho chúng con sao ? Trong thâm tâm tôi, tôi nghĩ rằng đây mới thực là bài học văn hóa và lịch sử dân tộc có tác dụng hơn cả. Tuổi trẻ cần kiến thức về văn hóa, nhưng văn hóa Việt Nam trước hết là cảm nghiệm được lòng thương mến và lo âu một cách chân tình của cha mẹ, anh chị, bạn bè, thế hệ đi trước đối với mình.

11/ Ngày Mới : Qua dự án thành lập Đại Học Nhân Văn Việt Nam Hải Ngoại và đại học trên liên mạng. Giáo sư có định mở một "cánh cửa" văn hóa về Việt Nam không trong lúc nầy không?

GS Nguyễn Đăng Trúc : Trong những thành viên sát cánh với chúng tôi để tiến hành dự án nầy có những bạn bè và nhân vật trong nước. Có nhịp cầu nào dễ bắt hơn là nhịp cầu văn hóa. Trong quá khứ, Đại Học Hè đã gây được phấn khởi cho nhiều giới trong nước, hy vọng Đại Học Nhân Văn trong tương lai sẽ la kết hợp những nổ lực chung của những người thiện chí trong cũng như ngoài VN.

12/ Ngày Mới : Để kết thúc buổi nói chuyện hôm nay, xin giáo sư cho biết cảm nghĩ của mình : Trong cuộc sống lưu vong khi ta hay dùng danh từ "diaspora" đề ví mình với những người Do Thái xưa kia. Phải chăng đó là một chấn thương trong lịch sử dân tộc ? Có thể biến họa thành phúc được chăng ?

GS Nguyễn Đăng Trúc : Tôi xin chia xẽ một tâm tư có vẻ hơi tế nhị. Người ta thường thấy những văn sĩ, những người làm văn hóa cao độ thường là người lưu vong, hoặc mang tâm tình lưu vong. Từ Đấng đã trả lời ' Con chim có tổ, con chồn có hang, Con Người không có chổ tựa đầu ' đến thân thế xuôi ngược của Khổng Tử, không ai không sống cảnh lưu vong. Lưu vong tự nó là khổ đau, đứng như Ngày Mới nói nó là chấn thương của lịch sử. Nhưng thời gian, lịch sử, toàn bộ kiếp con  không phải là sinh ký tử qui, là  40 năm tạm dung và vượt qua trong sa mạc hay sao? Làm sao thấm được các câu thơ của thi hào Nguyễn Du mô tả kiếp người qua thân thế nàng Kiều khi chúng ta không thực sự sống cảnh lưu vong :

Vui là vui gượng kẻo mà
Ai tri âm đó mặn mà với ai...
Rằng hay thì thiệt là hay
Nghe ra ngậm đắng nuốt cay thế nào

Những tượng trưng về kiếp sống con người cho thấy nếu khổ đau là lửa để luyện thép, thì hoàn cảnh  lưu vong của chúng ta hôm nay hẵn đã giúp cho con người Việt Nam phát huy được nhiều chiều kích sâu xa, không phải chỉ la tổng số chuyên viên gia tăng trong hàng ngũ con em mình mà thôi, mà hơn hết là sự trưởng thành trong nhân cách khi khám phá đâu là Nhà Thực, Quê Thực của mình, khi nhận ra kẻ khác khác mình để tôn trọng và yêu thương. Và phúc nào hơn khi phát triển đầy đủ hơn nhân cách của mình!
Nhân dịp được tiếp xúc với Ngày Mới, tôi xin phép được nhân danh PT Giáo Dân VNHN, TT Văn hóa Nguyễn Trương Tộ và  Tập San Định Hướng kính chúc Ban Chủ Biên , độc giả  Ngày Mới và gia quyến một năm mới Tân Tỵ an lạc.

Năm 2001, tập san Ngày Mới sẽ là diễn đàn học hỏi Tinh Thần Nguyễn Trường Tộ qua các bản điều trần. Hy vọng Trung tâm Nguyễn Trường Tộ và tập san Ngày Mới sẽ cùng nhau cổ suý tinh thần của Người Xưa để tiến đến việc tổ chức ngày giỗ thứ 130 của Người tại Paris đê vinh danh Người qua các bản điều trần. (22/11/1871 - 2001).
 Thay mặt độc giả Ngày Mới, thành thật cảm ơn giáo sư.

Lê Trân




 


Phụ trương C


Xưng hô trong gia đình Việt nam


1-           Cách xưng hô trong khuôn khổ cá biệt của tiếng nói Việt nam

So với một số tiếng nói đang phổ biến trên thế giới, lối nói của người Việt chúng ta trong cách xưng hô có những nét hết sức cá biệt. Chúng ta hầu như không dùng đại-danh-từ để nói chuyện với nhau, nhưng dùng trực tiếp danh-từ để xưng hô.

              Chẳng hạn trong tiếng Pháp " je te dis ceci ". Hai chữ "je"" te" là đại-danh-từ. Nếu dịch ra Việt ngữ theo lối nói ngọng của một số người mới bập bẹ tiếng Việt thì  chúng ta có thể nói : tôi nói với mầy cái nầy. Tôi (tao, tau, tớ) với mầy (mày, mi)  là hai đại-danh-từ có trong tiếng Việt, nhưng không mấy khi dùng đến trong lối xưng hô thực tế và linh động của chúng ta. Hay đúng hơn, Tôi[5] được dùng một cách tổng quát đối với một cử tọa hoặc độc giả, hay trong bài viết hay với một người xa lạ đồng hàng. Tao, tau, tớ và mầy, mày, mi chỉ được sử dụng hoặc giữa bạn hữu bằng tuổi và rất thân, hoặc khi người ta tỏ thái độ giận dữ hay miệt thị. Tùy hoàn cảnh, chúng ta nói: Con thưa ba việc nầy, chú nhắn cháu điều nầy... Các chữ con, ba, chú, cháu là danh từ được dùng như đại danh từ.

Qua lối xưng hô đặc biệt đó, nhiều nhà nghiên cứu đã minh giải để đưa ra một số nhận xét:

-   Tiếng Việt ưu tiên sử dụng những lối nói trực tiếp linh động trong từng hoàn cảnh cá biệt, thay vì ý-niệm-hóa thành các đại-danh-từ phổ quát hơn và trừu tượng hơn.
-   Xét về mặt nguyên nhân có tính cách văn hóa, có thể cộng đồng người Việt phân biệt rõ hai cảnh vực khác nhau: một mặt cảnh vực tương quan giữa con người với nhau, hoặc con người với Thần linh và mặt khác là mối tương quan dựa trên hiểu biết khách quan, trừu tượng liên hệ đến sinh hoạt và lối tiếp cận với đồ vật. Tương quan rất phong phú giữa người với người trong  tiếng nói của chúng ta  phản ảnh một sự nhìn nhận phẩm giá và vị trí cá biệt của mỗi người. Trong tương quan gặp gỡ "cha và con" chẳng hạn, chúng ta thấy hai bên nhìn nhận và cần có nhau. Hẳn nhiên xét theo sự hiểu biết sự vật theo thước đo của thời gian khách quan, thì trước khi có người con bấy giờ  người cha đã là một ông A, ông B nào đó. Nhưng trong giây phút tiếp cận giữa hai người qua lời nói, người cha và người con đang cùng nhau hiện hữu và cần có nhau để thể hiện  phẩm giá làm người của mình trong một vị thế và tương giao cụ thể không thể thay thế. Trái lại, khi nói : tôi ăn củ khoai, tôi đánh răng, tôi làm bài toán, tôi thấy một ngôi sao, thì các chữ tôi đại-danh-từ nầy là chủ từ  của bất cứ một sự hiểu biết nào, một hành động nào trong một mối tương quan giữa con người với một đối vật nào đó. Nếu chúng ta chuyển qua ngôn ngữ triết học, thì tương giao linh hoạt giữa cha con chẳng hạn, chúng ta gọi là chiều kích hay cảnh vực con người (cõi người ta ), còn mối tương quan thứ hai giữa người và đối vật (đối tượng nầy có thể là con người nhưng con người nơi đây đã từng chuyển vào khung tương giao đối vật), chúng ta gọi  là chiều kích đất.
-   Cách xưng hô tiếng Việt khi tiếp xúc với bất cứ ai trong xã hội mà mình gặp  bằng những danh từ dùng để chỉ người thân trong gia đình  (như : thưa ông , thưa bà, bác, chú, anh, chị, cô gì, mợ...) cho thấy người Việt lấy gia đình làm nơi khởi phát cho cộng đồng xã hội. Mặt khác sự kiện đó chứng minh hùng hồn và cụ thể  tình huynh đệ nhân loại (tứ hải giai huynh đệ) trong cách cư xữ hằng ngày.
-   Về hậu quả, cách xưng hô trong tiếng nói Việt nam có thể phản ảnh một cộng đồng con người biết trên dưới trật tự, phát huy dễ dàng những mối tình cảm thân thiết và cách cư xử lễ nghĩa linh động, gây ý thức về các đạo làm người trong nhiều mối tương giao riêng (đạo hiếu, đạo vợ-chồng, cha mẹ-con cái, đạo thầy-trò, đạo bằng hữu...) .

Nhưng hai khuyết điểm sau đây có thể nêu lên :

- Trước hết là tương giao xã hội có trật tự trên-dưới được tôn vinh quá mức  mà quên lãng chiều kích trời và đất. Đúng vậy, tương quan giữa người và người trong cuộc sống lễ nghĩa chưa đủ để chi phối hết ý nghĩa và phẩm giá nhân vị. Có những tương quan sâu hơn nữa, người ta gọi là tiếng nói của Trời mà tương quan giữa người với nhau phải lưu ý. Chẳng hạn không thể nhân danh tương quan cha-con, thầy-trò để bất chấp đạo lý của lương tâm (nghĩa là tiếng của Trời nói riêng với mình). Và điểm tiêu cực dễ nhận ra cả đó là việc tuyệt đối hóa các vị trí trên dưới, các lối biểu lộ tương quan cá biệt trong cách xưng hô thành một xã hội khép kín, mặc cảm tự ti, rụt rè không dám nói thật; và đó là một trong những nguyên nhân hạn chế việc phát huy kiến thức khoa học trừu tượng, tinh thần dân chủ và bình đẳng; nhất là một lối nhẫn nhục đến như khiếp nhược của giới trẻ và phụ nữ trong sinh hoạt cộng đồng bên cạnh một phong cách kẻ cả, cố chấp  và lắm lúc vô tâm của các bậc bề trên.
-   Về mặt kỹ thuật sử dụng tiếng nói Việt nam, thì ngay cả đối với người Việt bình thường cách xưng hô của chúng ta quả là tế nhị khó khăn. Không phải chỉ dựa trên tương quan trên dưới, liên hệ huyết tộc, hoàn cành xã hội, mà còn tùy thuộc tâm tình lúc vui, lúc giận lúc buồn, lúc cay co châm biếm, lúc nài nỉ..., chưa kể đến các lối xưng hô tùy vùng địa lý và dựa trên những cách đánh giá ưu tiên theo giá trị chọn lựa. Chẳng hạn người Bắc thì gọi chị của mẹ là bác, chồng em gái của mẹ là chú, người Trung và người Nam thì chị hay em gái của mẹ đều gọi là dì và hễ chồng của dì hay của cô đều gọi là dượng (trượng). Một điểm đặc biệt hơn nữa là không những  phần lớn trong cách xưng hô của người Việt các danh từ cụ thể được dùng chứ không phải là đại-danh-từ, mà nhiều khi người ta cũng không dùng đến các danh từ nữa. Chẳng hạn: thay vì nói "con lấy giùm mẹ ly nước" thì  chỉ nói " lấy giùm ly nước ". Trừ ra quá khách sáo hoặc ông Tây bà Đầm mới học tiếng Việt thôi, còn người Việt chúng ta thông thường bỏ hẳn hai chữ con và mẹ trong câu nói nầy. Xưng hô như vậy hẳn máy điện toán khó mà thay thế cho lời nói linh hoạt và đầy nghệ thuật của con người !




2-                  Danh xưng và cách xưng hô trong gia đình Việt nam

A/ Bậc bề trên trên cấp cha mẹ


  - Bậc bề trên trên cha mẹ nói chung : ông bà tổ tiên
  - Theo thứ tự thời gian  : ông-bà-cố-tổ, tằng tổ, cao tổ
  - Cha mẹ của cha hoặc của mẹ : ông bà  (nội hoặc ngoại) 
  - Anh chị em của ông-bà-cố-tổ: xem danh xưng  ở C/ liên quan đến anh chị em của cha mẹ và đặt ở đằng sau tên ông-bà-cố-tổ; chẳng hạn ông chú ngoại, bà cô nội...
   - Xưng hô với các bậc nầy thì dùng chữ cháu
   - Ở ngôi thứ ba, tương quan với bậc từ cố trở lên thì gọi là      chắt
   - Ở một vài tỉnh miền Trung  ông bà được gọi là                       "ôông" mệ
 
B/ Cha mẹ con cái, anh chị em

   -      Cha :  Cả 3 miền Bắc Trung Nam : cha, ba  (trong văn chương và ngôi thứ ba thì   còn gọi thân phụ, ông thân sinh , trong thân mật ở ngôi thứ ba thì gọi là ông già); Bắc: bố, thầy, cậu (ngôi thứ ba ông cụ nhà tôi); Nam : tía ; Trung : một vài nơi gọi cha bằng chú.
    -        Mẹ :  Cả 3 miền : mẹ  (... thân mẫu, bà thân sinh... bà già);  Bắc : me, má, u, bu, đẻ, cái, mợ,  Nam : ; Trung: mạ . Trước đây trong chế độ đa thê, người con ruột gọi mẹ mình bằng chị , nhưng gọi bà vợ chính của cha mình bằng mẹ.
     -     Anh :  Cả 3 miền  : anh (tiếng văn chương ở ngôi thứ ba là bào huynh); Trung : một vài nơi gọi là eng. Người anh đầu người Bắc gọi là anh cả, người Nam gọi là anh hai. Ở ngôi thứ ba, danh từ kép anh-em được người miền Trung gọi la eng-tam.
     -      Chị :  Cả 3 miền : chị, ( bào tỷ). Trung: một vài vùng gọi là . (Xem trên ...chị cả...  chị hai)
     -      Em trai, em gái :  Cả 3 miền : em (bào đệ, bào muội) ; Trung : út  . Nếu người Trung gọi em là út, thì chữ út nầy được người Nam và người Bắc hiểu là người em cuối trong gia đình. Người Trung dùng chữ tui ( là chữ tôi nhưng âm hưởng là em ) để xưng hô với anh chị mình.
-   Chồng chị và chồng em gái gọi là anh rểem rể. Vợ anh và vợ em trai gọi là chị dâuem dâu.
-   Vợ con trai mình gọi là con dâu, chồng con gái mình gọi là con rể.
-   Cha, mẹ, anh, chị, em ( của ) chồng gọi là cha chồng, mẹ chồng, chị chồng, anh chồng, em chồng. Cha, mẹ, anh , chị, em (của) vợ gọi là cha vợ, mẹ vợ, anh vợ, chị vợ, em vợ.
NB:  Khi xưng hô với nhau giữa hai người thì các chữ rể, dâu, chồng, vợ sẽ mất đi (Ví dụ con dâu nói với mẹ chồng :" Con xin phép mẹ "- hoặc cha vợ nói với con rễ:" cha nhờ con việc nầy") - Khi nói với người thứ ba thì thêm rể...tôi: con rể tôi, con dâu tôi, cha chồng (vợ) tôi, mẹ chồng (vợ)  tôi.
-   Cha mẹ gọi con ruột mình là con. Nhưng người Bắc thường xưng hô với con trai và con gái đã lớn tuổi của mình bằng anh.
-   Chồng gọi vợ là em, mình; vợ gọi chồng bằng anh, mình. Khi mới quen còn ngượng ngùng thì gọi nhau là đằng ấy. Nhưng khi đã có con cái thì có lúc gọi nhau là ba hay mẹ. Tại một vài nơi ở miền Trung người ta gọi cha hoặc mạ và thêm tên đứa con đầu : chẳng hạn đứa con đầu tên Long thì vợ gọi chồng là cha thằng Long, chồng gọi vợ là mạ thằng Long, và người ngoài xung hô là ôông Long, mụ Long chứ không gọi tên thật ( còn gọi là tên tục ). Người vợ hoặc người chồng nói về  người phối ngẫu của mình với người thứ ba bằng nhà tôi.
-   Chồng của mẹ (mà không phải cha ruột mình) gọi là dượng, người Trung còn gọi là trượng.
-   Vợ của cha (mà không phải mẹ ruột mình) gọi là dì ghẻ (nếu là vợ chính của cha, trong chế độ gia đình xưa thì gọi là mẹ).

C/ Anh chị em của cha mẹ, anh chị em họ

-          Anh của cha   :     Cả 3 miền :     bác   (tiếng tàu bá phụ)
-          Vợ của anh cha :   Cả 3 miền:     bác (bá mẫu)
-          Em trai của cha :    Cả 3 miền:    c (thúc phụ)
-          Vợ em trai của cha : Cả 3 miền :   thím (thúc mẫu)
-          Chị của cha :   Bắc:  bác;     Trung, Nam : cô ( o)
-          Chồng chị của cha :  Bắc  : bác; Trung, Nam: dượng    (trượng)
-          Em gái của cha :  Bắc, Nam : cô;    Trung : o
-          Chồng em gái của cha : Bắc : chú ; Nam, Trung : dượng( trượng )
-          Anh trai của mẹ:  Bắc : bác  ; Nam, Trung: cậu (người  Trung còn gọi cụ)
-          Vợ anh trai của mẹ  : Bắc : bác ; Trung, Nam : mợ (người Trung còn gọi là mự )
-          Em trai của mẹ  :   Cả 3 miền : cậu  (người Trung còn gọi là cụ)
-          Vợ em trai của mẹ:  Cả 3 miền : mợ   (người trung còn gọi là mự)
-          Chị của mẹ :   Bắc : bác ;    Trung, Nam : dì
-          Chồng chị của mẹ : Bắc : Bác; ;  Trung , Nam: dượng (trượng )
-           Em gái của mẹ :  Cả ba miền  :    
-          Chồng em gái của mẹ :  Bắc : chú  ; Trung, Namdượng ( trượng)
-     Anh chị em họ : Cả 3 miền : vẫn gọi là anh, chị , em như anh chị em ruột. Nhưng cấp bậc anh chị họ có nơi dựa trên tuổi tác cá nhân, có nơi (đặc biệt ở miền Trung) thì tùy vị thế trên dưới của các bậc cha mẹ. Chẳng hạn người con của chú mình dầu lớn hơn mình cả 20 tuổi nhưng vẫn gọi mình bằng anh và mình gọi lại bằng chú (tức là chú em).
-          Bác, chú cô dì ... gọi các con anh em mình bằng cháu

Trong cách xưng hô với anh chị em của cha mẹ, người Bắc ưu tiên tuổi tác khi gọi anh, chị cha và mẹ là bác, và cấp nhỏ là chú cậu cô mợ và không dùng chữ dượng.
Người Nam và Trung  ưu tiên về nội ngoại, thân sơ. Dì thì luôn bên ngoại dù tuổi cao hay thấp, cô (hoặc o) thì luôn bên nội dù là chị hay em của cha. Chú thì chỉ dùng cho em cha, thuộc bên nội thôi. Người không thuộc dòng máu cha mẹ thi  gọi là dượng hay trượng, mợ, thím để phân biệt với bác trai, chú, cô, cậu là anh em ruột thịt. Chỉ có cách gọi bác gái (vợ anh trai của cha) là một ngoại lệ.


 

 

 






Phụ trương  D

Nhớ lại ý nghĩa Thi Ca của Cổ Nhân

Đọc tập thơ Kinh Vô Thường
của nhà thơ Võ Thạnh Văn

Không dừng lại nơi vùng đất của ngôn từ bóng bẩy với những tiết điệu phong phú, với muôn ngàn hình ảnh đầy sắc màu, vùng đất của những cảnh giới xa lạ do trí tưởng tượng « ru với gió, mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây »  mặc sức vẽ vời…, trái lại mười ngàn câu thơ của Võ Thạnh Văn như muốn tìm cảm hứng nơi Nguồn của một lối ngôn ngữ hết sức đặc biệt, ngôn ngữ được tác giả gọi là Kinh.

1.    Nguồn của Thi Ca

Tại sao Võ Thạnh Văn đặt tựa đề cho thơ mình là Lời  Kinh ?

Khi nói đến Kinh và Thi Ca, văn hóa vùng Đông Nam Á một mặt  tôn vinh Kinh là Nguồn của Đạo làm người[6], mặt khác gọi Thi Ca là Nguồn các Kinh. « Hưng ư Thi » : Thi Ca là Thần Lực đem lại sức sống và lương thực nuôi dưỡng nhân tính, là cảm hứng cho lời nói chân thật của con người. Khổng Tử đã để lại gia sản quí giá nhất cho con mình là Bá Ngư, qua lời nhắn nhủ :

Bất học Thi, vô dĩ ngôn [7]

[Không học Thơ, không có lời để nói]

Vậy tại sao tại sao phải học Thơ mới có thể nói được trong lúc thi ca dường như không còn một chỗ đứng nào trong xã hội quá nhiều lời nói, máy nói, người nói …, của xã hội « cân đo đong đếm » mà chúng ta đang sống hiện nay ?
Để trả lời, chúng ta lắng nghe một bậc thầy khác của văn hóa nhân loại giải thích. Trong Đối Thoại Ion, một trong những tác phẩm thời kỳ đầu của Platon, Socrate là vị thầy của tác giả nầy và cũng là vị tiên phong của nền văn hóa Hy-lạp – Tây Phương  phân biệt Thi Ca với ngôn ngữ thông thường của con người như sau :

Socrate: « Không phải do tài năng nào của mình mà các thi sĩ làm thơ, nhưng là do cảm hứng từ một quyền năng của Thần. Vì nếu dựa vào một tài năng trình bày lưu loát như người ta thường làm được trong các bộ môn nào đó, thì phải chăng thi ca cũng chỉ là một bộ môn nào bất kỳ hay sao! Bởi vậy, Thần đã xóa hết tài năng lý trí con người để dùng họ làm thi sĩ, cho họ nhập Thần và trở nên những tiên tri của Trời. Nhờ thế khi nghe lời thơ của các thi sĩ, thì chúng ta hiểu được rằng không phải do chính tài năng họ mà họ có được những giá trị cao cả, bởi lẽ lúc ấy họ đã bị tước hết tài trí của mình rồi; nhưng chính Thần nói, Thần chuyển lời của Thần đến với chúng ta qua trung gian các thi sĩ ! » (PLATON, Ion. 534 c-d;  534 e..).

Như thế, Thi Ca là tiếng vọng từ Bờ Bên Kia, của Lời Vô Phương, của Thần Lực biến lời của thi sĩ thành lời Kinh nhắc nhở con người về lý lịch, về thân phận « linh ư vạn vật » của mình.


2.    Nội dung của Thi Ca

 Cảm hứng từ Lửa Từ Trời, của Thần Lực bên trên sinh khí tạo sức sống trong vũ trụ muôn vật, Thi Ca không nhằm ca tụng thiên nhiên cỏ cây hay mây gió, ngay cả trời đất bao la bát ngát, nhưng chỉ nhằm thổi hơi sống thần linh vào cuộc sống con người. 
Những nhà tư tưởng cảm hứng từ nguồn Thi Ca như thế thường được gọi là Người Xưa, Thánh Hiền thủa ấy, Những Tiên Tri. Họ là  những nhà tư tưởng khai phá các nền văn hóa Đông Tây như Phật Thích Ca, Lão Tử, Khổng Tử, Eschyle, Sophocle, Héraclite, Parménide, Socrate, các tác giả Cựu Ước…Họ chỉ nhắc gửi một điều: lý lịch hay thân thế con người. Nhưng, vì mất đi cảm hứng Thi Ca, hậu thế và ngay cả người đương thời của các Thánh hiền nầy biến họ thành “chuyên viên đo đất” hoặc những nhà tư tưởng mơ mộng, những nhà khoa học thô thiển chưa lãnh hội được nguyên lý vũ trụ và sự vật[8]. Vì tránh nguy cơ lầm lẫn khó có thể tránh, một nguy cơ vốn gắn liền với hiện sinh con người, nên trước khi nói lên sứ điệp Thi Ca, Héraclite đã nói Lời mà ông cảm hứng (Logos) là Lời mà con người tự sức mình không ai biết và nói được[9]. Còn Parménide thì đã cảnh giác nội dung tập thơ của mình phát xuất từ Thần Thánh[10]. Riêng đối với Socrate, trước tòa án thành Nhã Điển đang lên án tử hình ông, ông đã khẩn thiết biện hộ như sau :

« Xin quí vị ý thức điều nầy : lời tôi sắp nói đây hoàn toàn là sự thật. Hỡi người Nhã Điển, người ta đồn tôi là người hiểu biết. Nhưng, thật sự thì biết được điều gì ?  (Tôi xin trả lời) đây là sự khôn ngoan, hiểu biết liên quan đến nhân tính - ἄνθρωπον σοφία» (PLATON, Biện hộ của Socrate, 20 d.) (..)
Có cái gì đó linh thiêng và thần thánh đến với tôi, một điều mà Mélètos bắt chước một tác giả hài kịch từng nêu lên để tố giác tôi. Những việc lạ lùng như thế tôi đã từng gặp lúc tôi còn bé : có một lời nói bên trong tôi, và mỗi lần như thế, thì tiếng nói đó ngăn không cho tôi làm điều tôi có thể sắp làm… Tôi nghĩ đây thật đúng là một sự xung khắc may mắn (sđd. 31 c, d).

Trở lại truyền thống văn học Việt Nam, hẳn không ai không biết rằng tư tưởng của kẻ sĩ Vũ-Quỳnh, qua cuốn Lĩnh Nam Chích Quái, không khai triển một nội dung nào khác ngoài việc chuyển đạt trực giác của tổ tiên mình về lý lịch linh ư vạn vật của con người ; thi ca của thi hào Nguyễn Du, qua tập thơ Kiều, cũng không ví von một cảnh vực nào khác ngoài Kiếp Người Ta.
 Tiếp nối truyền thống Thi Ca và Tư Tưởng của Người Xưa và của dân tộc mình, tác giả Võ Thạnh Văn không chuyển đạt một nội dung nào xa lạ ngoài nỗi thắc mắc về hiện sinh con người qua thân phận chính mình. Ngay trong câu thơ đầu, tác giả nói rõ nội dung cảm hứng Thi Ca của mình :

[001]
Phận ta hạt bụi mê lầm


3.    Nỗi Khổ của hiện sinh và Nguồn Hy Vọng cứu độ

Khi nói lời thơ là tiếng vọng của Lời  từ Bờ Bên Kia, khi nói tiếng vọng ấy không nói gì khác ngoài mặc khải về lý lịch và thân thế con người, Người Xưa không quá ngớ ngẩn để cho rằng phía bên nầy bờ con người đã không biết, không nói về thân thế của mình. Trái lại, Người Xưa lặp đi lặp lại rằng con người vốn đã tự tôn vinh mình là sinh vật cao cả nhất trong vũ trụ không những vì nó có được sự hiểu biết về chính thân thế của mình mà còn có khả năng tự mình hoàn thành nhân tính của mình. Nói cách khác, trong lịch sử nhân loại, trong hiện sinh của mỗi người, chúng ta đã định nghĩa mình bằng Trời (Tề Thiên) vì mình có hiểu biết và có ngôn ngữ để gọi tên muôn loài, như lời con rắn nói với Adam trong Vườn Địa Đàng[11].
Qua ngôn ngữ biểu tượng, Vũ Quỳnh mô tả hiện sinh tự tôn, tự mãn ấy là tương giao giữa Âu Cơ và Đế-Lai, một Đế-Lai muốn làm nên lý lịch của mình qua ước muốn, hiểu biết và chiếm hữu các thứ đồ vật, mà quên mối tương giao với Lạc-Long-Quân và với Âu Cơ. Nguyễn Du gọi cuộc sống như thế trong cõi người ta là « Tài », là sự ràng buộc của Kiều với ước mong tự tử khỏi sống, với thèm khát cuộc sống và thú vui thân xác qua hình ảnh Thúc Sinh, với con đường khổ hạnh quên đời trong am nhỏ, với nỗ lực giải phóng xã hội qua hình ảnh Từ Hải, với phú quí danh vọng qua hình ảnh Hồ Tôn Hiến….
Thánh Hiền Xưa trong các nền văn hóa còn nói rõ hơn. Vào thời tiền Socrate, thi hào Eschyle của Hy-Lạp đã từng nói Tài (Τέχνη) (như Nguyễn Du sau nầy gợi lên) là một ánh sáng giả tạo, là lửa đánh cắp, phỉnh gạt, làm che mờ Mệnh (Μορα) hay thân thế linh thiêng cao cả của nhân tính. Thi hào Sophocle diễn tả hiện sinh con người là thế giới của một nhà thông thái Œdipe với đôi mắt mở toang, nhưng không hề biết gì về lý lịch nguyên sơ và chân thực của mình[12]. Héraclite [13] và Parménide thì đánh giá lời nói và sự hiểu biết của con người là dối trá khi con người lấy thước đo đất để đo lường và định nghĩa thần tính con người.
Trong câu đầu của Đạo Đức Kinh, Lão Tử nói hiện sinh con người (Đạo) đang sống và có thể thực hiện không phải là con đường con người phải noi theo để chu toàn phận làm người ; lời con người đang nói và có thể nói về thân thế của mình thì không phải là lời chân thật. Vì theo Đạo học:
Cái nhìn cao siêu về Đạo và mọi vật, lời nói hay thinh lặng cũng không thể chứa ni. Nó vượt lên trên lời nói và cả sự thinh lặng, ở ngoài bất cứ khả năng diễn tả nào của con người. [14]

Hơn ai hết, Phật Tích Ca đã ngộ được toàn bộ hiện sinh con người đang miệt mài tô bồi là huyễn hoặc .

Múc lấy nguồn cảm hứng Thi Ca ấy, Võ Thạnh Văn trong lời tựa tập thơ lập lại sứ điệp Thi Ca của Người Xưa :

Nhìn lại cho rõ chính mình, cái bản lai diện mục, là nhận diện nỗi bi thương to lớn của kiếp nhân sinh. Nỗi bi thương to lớn ấy chính là con người đã đánh mất bản thể từ lúc chưa sinh. Từ đó, con người hoang mang và miệt mài tìm kiếm chính mình trong huyễn vọng.

Thần Thi không nói Trời nói Đất, không mặc khải nguồn gốc hay bản thể muôn vật, Thần Thi chỉ nói với con người về phận làm người của họ. Và như thế Thần Thi không hề nhắc con người phải khóc cho vũ trụ muôn vật luôn dời đổi, luôn chóng qua, nhưng gieo vào nơi Tâm con người nỗi đau về hiện sinh lầm lạc u mê của mình. Chính vì nỗi khổ đau đánh mất Thần Tính của con người nơi hiện sinh, mà Nietzsche, qua miệng người « mất trí » (hay đúng hơn là người đươc Thần từ bờ bên kia thăm viếng theo lối diễn tả của Socrate trong Đối Thoại Ion), đã hét lên một cách bi thảm :

Thần đi đâu rồi ? Tôi nói cho bà con hay, chúng ta đã giết thần rồi. Bà con cũng như tôi! tất cả chúng ta là những kẻ sát thần.[15]

Phải, tất cả chúng ta là những kẻ sát thần, vì tự nguyên sơ, làm người là rước vào mình phận lầm lạc, làm người là gánh nghiệp ấy vào thân như lời thơ của Nguyễn Du đã chuyển đạt. Và cũng nghiệp quên lãng thân thế Thần Thiêng, lãng quên phần Tinh Anh của nhân tính mà thi hào Hoelderlin trong bài thơ Mnémosyne (Đại  Ký Ức) đã nhận ra hiện sinh qua hình ảnh quái vật :

 Chúng ta xuất hiện ra đây như  một dấu chỉ,
 Một quái vật, không đường hướng, hết cảm xúc,
 Trơ trơ không biết khổ đau,
 Và hầu như đã mất lời nói của mình nơi xứ lạ.

Vì bước ra đời là phải gánh nỗi khổ đau lầm lạc như thế nên tác giả của Sách Gióp trong Thánh Kinh cũng như Cung Oán Ngâm Khúc đã viết :

Những nỗi khổ của tôi còn nhiều hơn cát biển.   (Gióp, 6, 3)

Thảo nào khi mới chôn nhau,
Đã mang tiếng khóc bưng đầu mà ra.  (CONK 55-56).


Nhưng, nếu Lời đầu Thần Thi đến với con người là Lời làm khổ, Lời tố giác thế giới huyễn hoặc của hiện sinh, Lời là làm đứt ruột (đoạn trường) con người, thì gắn liền với Lời cứu độ đó là Lời ban sự sống mới và cũng là Lời loan báo niềm hy vọng chung toàn của nhân tính thần thiêng. 
Ngay giữa những tháp Babel, giữa những thế giới ảo tưởng mà từng giây mỗi người và toàn cộng đồng nhân loại cần cù đắp xây, ngay giữa xã hội mà những ý thức hệ vu vơ, những nền nhân bản quái dị đang mãi mê cổ võ, nói tóm ngay giữa hiện sinh quên lãng thân phận cao quí của con người, hiện sinh mà Lời Thơ ụp đến để mặc khải cho con người nhận ra đó là sa mạc không sự sống, là vô thường, là cát bụi phù vân, thì một Cơn Khát, một Thống Khổ, một Nỗi Nhớ vụt trào lên ban cho con người dấu chỉ của một sinh lực mới.
Là con của dân tộc Việt-Nam, Võ Thạnh Văn hẳn không thể quên trực giác  văn hóa của tổ tiên nơi Nỗi Nhớ của Âu Cơ đêm ngày hướng về  Long Quân, Nỗi Nhớ mang sinh lực và hy vọng cho mỗi người con và mỗi thời kỳ lịch sử [16]. Là Kitô hữu thâm tín, Võ Thạnh Văn, hẳn không thể không cảm nhận được âm vang của lời Kinh Thánh nầy:

Khi đó, biết rằng mọi sự từ nay đã hoàn thành, Chúa Giêsu nói, để mọi lời Kinh Thánh được thực hiện: "Ta Khát"   (Gioan 19, 28)

Như Kiều của Nguyễn Du đã xóa tội tiền khiên trên sông Tiền Đường, hiện sinh lầm lạc hy vọng vượt qua vô thường, cát bụi , phù vân để phục hoạt thân thế cao cả của con người trong Cơn Khát, Nỗi Nhớ, Nỗi Khổ căn nguyên theo nghĩa là thiếu vắng một Ai Khác và những ai khác. Từ Nguồn Khổ cứu độ nầy, con người hy vọng kết dệt được những tương giao mới, những tương giao đủ sức diệt Ngã cô đơn, tự mãn và đưa con người lên hàng thần thánh.

Cùng Nguồn cảm hứng của Người Xưa và trong linh cảm Kẻ Khác ấy là Cha yêu thương con người :

Trong kiếp làm người hôm nay, năm tháng đời con đúng là những nỗi rên xiết, nhưng, lạy Chúa, Chúa an ủi con, từ thuở đời đời Chúa là Cha con. [Thánh Augustinô,  Confessiones, XI-29(39)]

Nơi đâu có nguy cơ thì ở đó có ơn cứu độ    (Hoelderlin)

Thi Ca của Võ Thạnh Văn chuyển đạt sứ điệp cứu độ và hy vọng qua các vần thơ ý nhị :


[147]
chợt bừng - chợt tỉnh - chợt mê
chợt ngủ - chợt thức - chợt về - chợt đi
chợt nghe chân tánh thầm thì
trang kinh vô tự tiếng tỳ bà rơi

[250]
bụi từ thập giá phục sinh
về qua biển đỏ xây linh hiển đài
cát từ sa mạc phôi khai
vượt qua biển chết đầu thai kiếp người

[2340]
tiếng rên từ đáy vực ngần
thoảng nghe văng vẳng mấy tầng thu không

[2500]
thiên thu một nắm tro rời
vần - xoay - dịch - chuyển - đổi - dời - hoại - sinh
sắc - không - chân - giả - bóng - hình
cát: ân thiên hựu - bụi: tình khởi nguyên

Đến đây, chắc Võ Thạnh Văn cũng đồng ý với tôi rằng, đúng như Khổng Tử dạy, không có Thi Ca, chúng ta tìm đâu ra lời để bập bẹ nói về thân thế con người chúng ta !


Reichstett, Pháp, ngày 20 tháng 12 năm 2011





Phụ trương E


Phát biểu về ba tác phẩm

Về nguồn, Thức tỉnh
Vietnam, a painful transition

của LS Lâm Lễ Trinh

Ngày 21 tháng 4 năm 2007

Nhân chuyến đi thăm gia đình tại Hoa-Kỳ, tôi được LS Lâm Lể Trinh đề nghị phát biểu cảm nghĩ của mình trong dịp ra mắt ba cuốn sách vừa được liên tục xuất bản “Về nguồn, Thức tỉnh và Vietnam, a painful transition”.
 Thực tình tôi rất ái ngại. Ái ngại không phải vì đã chưa từng nghe biết tác giả, hoặc chưa từng đọc những trang sách nầy. Nhưng ái ngại vì tác giả và tôi thuộc những thế hệ khác nhau; hoàn cảnh sống, lãnh vực nghiên cứu và sinh hoạt nghề nghiệp đôi bên cũng không thể gọi là gần gũi. Và mặc dù như đã thân thuộc từ lâu qua sách vỡ báo chí, hôm nay là lần đầu tiên tôi được vinh dự gặp mặt tác giả.
Ái ngại hơn nữa, là vì sứ điệp văn hóa của ba tác phẩm mà tác giả gợi ý cho tôi phát biểu, thoạt nghe qua tưởng chừng như là một chuyện gượng ép, giả tạo.

Nhưng, thưa quí thân hữu, sau chỉ một giây ngập ngừng, tôi đã nhận lời với tất cả niềm hảnh diện và xác tín thâm sâu của tôi. Và tôi sẽ cùng chia sẻ với quí vị lý do tại sao lại có sự thay đổi kỳ lạ như thế.

Chúng ta thừa biết rằng nhờ tiến bộ kỷ thuật, việc phổ biến các tài liệu, việc in thành sách những mảnh kinh nghiệm đời mình đã trở thành phổ biến trong cộng đồng người Việt chúng ta ở hải ngoại từ những thập niên vừa qua. Không thiếu người viết; và người ta viết nhiều, viết vội vàng, viết bất cứ cái gì xảy ra trước mắt, viết để tôn vinh mình và phe mình, để nguyền rủa người mình không thích. Chữ nghĩa trước đây là vùng đất thiêng liêng của thánh hiền, của kè sĩ nay đối với nhiều người tưởng chừng như là phương tiên chuyên chở và phô trương điều mà Pascal gọi là ‘cái tôi đáng ghét’.

Chúng ta đang ở trong cảnh tranh tối tranh sáng giữa tự do và rối loạn, giữa việc làm chứng chân thành những điều mắt thấy tai nghe hầu tôn vinh đạo nghĩa với việc níu lấy một vài thành tích hư ảo nhằm khoe khoang hoặc biện minh cho quá khứ bất cập của mình.

Trong bầu khí sinh hoạt nhập nhằng như thế, ba bộ sách của tác giả đã chọn lối đi riêng của mình. Trong đoạn văn ‘Thay lời phi lộ’, tác giả viết:  “Những tài liệu và nhận xét trong sách không ra ngoài chủ đích trả lại sự thật cho lịch sử hầu phá vỡ những huyền thoại”.
Đến đây, người đọc tự hỏi: Sự thật nào và huyền thoại nào khi ngay những chuyện kinh hoàng xảy ra trước mắt, mỗi người, mỗi phe phái chính trị, mỗi ý hệ … nhìn, mô tả và đánh giá, không những khác nhau, mà còn mâu thuẩn nhau?

Câu trả lời về ý nghĩa sự thật của lịch sử xét về mặt văn hóa hẳn không phải số lượng các chi tiết có căn cứ về thời gian không gian …Hẳn nhiên sự chính xác của các dữ kiện thuộc lãnh vực khoa học lịch sử là mức độ tối thiểu của liêm sĩ trí thức; chắc chắn tác giả đã không thể không lưu ý khía cạnh nầy, và người đọc ở một trình độ nào đó hẳn không thể không nhận ra. Nhưng như học giả Lê Văn Siêu trong cuốn Việt Nam Văn Minh Sử Cương đãï từng nhận xét:  khi nói đến sự thật về mặt văn hóa của một dân tộc mà chỉ biết ghi lại những sự kiện từng ngày của quá khứ, bới đào những vết tích khảo cổ thì “chỉ lưu ý tới phần xác của nó lắm khi khô khan và trơ trẽn”[17].
Trong ba tác phẩm nầy, tác giả không dành một chương nào trong sách để trình bày một cách hàn lâm và minh nhiên về cái hồn của văn hóa, về những chuẩn mực của sự thật để nhìn và phê phán lịch sử, nhưng văn phong, sự nhất quán của toàn bộ bản văn, và các tựa đề “Về nguồn, Thức tỉnh và Vietnam, a painful transition” đã đưa đọc giả tiếp cận với hồn thiêng ấy.

Thật đúng như thế, qua từng tài liệu ghi lại, từng bài nhận định, tác giả không lôi giật người đọc quay lại nhìn và tôn vinh cái tôi của mình, suy tôn hoặc chà đạp người mình đề cập, nhưng muốn kêu mời người đọc cùng với mình ý thức được điều ác, cùng nhận ra những lừa lọc gian manh để ghê tởm, cùng khám phá những công lao và giá trị để ghi nhớ và phát huy. Những khác biệt về lập trường chính trị, về phương cách lập, suy tư đã không uốn ngòi bút tác giả đi đến những phê phán hồ đồ, thiên kiến; các mối tương giao bằng hữu, thân thuộc, thầy trò … luôn được trân trọng nhắc nhỡ một cách hết sức cảm động, nhưng không che mờ tiếng nói của lương tri. Đi vào lời văn của các tác phẩm, chia sẻ tâm tình của tác giả trước những biến cố, đối thoại với tác giả qua những nhận định thời cuộc, độc giả được đưa ‘về nguồn’, về quê hương văn hóa truyền thống của những kẻ sĩ như Trần Thế Pháp, Vũ Quỳnh, Nguyễn Trải, Nguyễn Du, Nguyễn Trường Tộ, Phan Bội Châu  v. v.. Nơi quê hương văn hóa ấy, chữ gắn liền với nghĩa.

Không minh nhiên gọi tên hồn của văn hóa, nhưng tác giả đã mặc cho những bài viết của mình vào một đặc điểm chung: về nguồn, thức tỉnh và vượt qua trong gian khổ. Về nguồn là trở về thời ăn lông ở lỗ, thời khăn đống áo dài, thời phong kiến, thời đệ nhất hay đệ nhị cộng hoà chăng? (Dường như vì nhu cầu thương mại, người ta đang tìm lối về nguồn đó để phát huy cuộc sống văn hóa). Sau khi đọc toàn bộ ba cuốn sách của tác giả, tựa đề về nguồn làm tôi nghe vọng lại ngay bài thơ Thề Non Nước của Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu. Về nguồn như một lời kêu mời vì:

“Nước non nặng một lời thề,
Nước đi đi mãi, không về cùng non
Nhớ lời ‘nguyện ước thề non’,
Nước đi chưa lại, non còn đứng không.
Non cao những ngóng cùng trông,
 Suối tuôn dòng lệ chờ mong tháng ngày …”

Nước là bước đi dong dài của lịch sử mà những mảnh chuyện được tác giả ghi lại qua kinh nghiệm trung thực của đời mình.
Nhưng Nguồn, Non Cao là gì mà con người chìm trong cơn lốc lịch sử cần quay về để tiếp được ánh sáng, để  nhận được ra sai trái quá khứ cần phải vượt qua, để định hướng cho tương lai?
Trong bài ‘Hoài Niệm Nguyễn Khắc Hoạch’ (trang 333) tác giả cho chúng ta một gợi ý khi kết luận lời từ biệt người bạn chân tình của mình: Một Nhà văn dấn thân.  Như một CON NGƯỜI. Con Người trung thực.  Đúng theo ý nghĩa cao quý và toàn vẹn của từ.”
Đây là sự nhất quán, là hồn thiêng làm nên sự thật để đánh giá lịch sử. Đây là Nguồn, là Non Cao đang chờ mỗi người, mỗi tập thể con người quay về để thức tĩnh. Toàn bộ các bài viết chìm ngập trong ánh sáng soi đường ấy; và cũng chính vì thế khi đọc những trang giấy của ba cuốn sách, chúng ta cảm thấy trở về mạnh đất quê hương văn hóa ngàn đời của chúng ta. Chúng ta đi vào Đại Ký Ức mà vào năm 1492 kẻ sĩ  Vũ Quỳnh đã nêu lên để định cái khung văn hóa chúng ta khi viết lời Tựa cho Cuốn Lĩnh nam Chích Quái mà ông hiệu chính:

“Than ôi! Lĩnh Nam có nhiều kỳ trọng, các truyện làm ra không cần phải chạm vào đá, khắc vào ván mà rõ ràng ở long người, bia truyền ở miệng người, ông già con trẻ thảy đều thông suốt, đem lòng ái mộ, khuyên răn nhau, thời việc có hệ ở cương thường, quan ở phong tục, há có phải ít bổ ích đâu?”[18]

Nguồn hay Đại Ký Ức được tổ tiên người Việt nhắc nhở qua chuyện Bánh Dày Bánh Chưng. Lương thực văn hóa mà mỗi gia đình chúng ta dùng trong ngày đầu khai trương lịch sử cho một năm sống. Lương thực văn hóa, nguồn mà lịch sự cần quay về để mang ý nghĩa,  là Đại Ký Ức nhắc một chân lý căn cơ mà thôi: con người. Con đường vương đạo, kẻ xứng nối ngôi vua là Lang Liệu. Lang Liệu không tìm của con vật lạ, nói như người hôm nay, thì ông không tìm giai cấp, tiến bộ hay một ý niệm tưởng chừng như cao đẹp nào khác, nhưng ông chỉ biết vâng lời Thần Linh làm nên bánh Dày tượng trưng cho Trời, bánh Chưng tượng trưng cho Đất. Ông chỉ biết làm người trong mối giao thoa Đất -Trời đó.

-     Không phải vì muốn phát huy đường lối đề cao phẩm giá nhân vị con người mà rất sớm vào tuổi thanh niên tác giả đã dấn thân vào chính trường hay sao?
-     Không phải vì Nguồn ‘linh ưu vạn vật đó’ mà mà tác giả đã dùng những ngày tuổi hưu của mình cho chính nghĩa cổ võ nhân quyền hay sao?
-     Không phải vì Nhân Đạo mà tác giả đã bỏ cộng biên soạn và phổ biến ba bộ sách nầy hay sao?

Về Nguồn, quay lại với Nhân Đạo theo lời kêu mời của Non Cao, để Thức Tĩnh, đễ Vượt Qua Trong Gian Khổ để hoàn thành nhân tính, với lời kêu gọi đó, tác giả đưa chúng ta về lại với với điều mà Vũ Quỳnh gọi là Cương Thường làm khung cho văn hóa.

Nếu văn hóa cũng là một danh xưng mà cha ông chúng ta gọi là học thì tôi xin dùng lại những lời nầy của cụ Sào Nam Phan Bội Châu trong Phàm lệ giới thiệu về cuốn Khổng Học Đăng do nhà chí sĩ biên soạn cách nay gần 80 năm, để nói về bộ sách của LS Lâm Lệ Trinh:

"Cái danh từ học cũ chẳng phải là cái đồ để đánh cắp áo mũ cân đai đâu? Cái danh từ học mới chẳng phải là cái mồi để hốt gạt mề đay kim-khánh đâu...!
Hễ ai đọc bản sách nầy, trước phải lập định một cái chí khí tự nhiên rằng: "Ta là Khổng Tử, ta là Mạnh Tử, ta là Bá Lạp Đồ (Platon), ta là Khang Đức (Emmanuel Kant), chẳng qua đời tuy có xưa nay, đất tuy có đông tây, mà tâm lý in như nhau, thánh hiền tức là ta, ta tức là thánh hiền; ta chỉ là người hậu tiến của cổ nhân mà thơi. Có chí khí ấy thời đọc quyển sách nầy mới thích.
Nếu ai chưa đọc sách nầy mà trước đã có một ý kiến sẵn: định làm nô lệ cho người đời xưa, hay định làm nô lệ cho người đời nay thời xin chớ đọc"…


"Mục đích người làm bản sách nầy là cốt phù trì nhân đạo; nếu ai khơng để lịng vào nhân đạo thời xin chớ đọc" [19].

Nhân đạo, nền tảng đời đời của văn hóa, là nguồn mà tác giả của ba bộ sách gọi ta quay về, là ánh sáng giúp ta thức tĩnh và vượt qua trong gian khổ để hoàn thành nghĩa vụ làm người; nhân đạo ấy là Non Cao luôn mãi tồn tại vượt lên trên những thăng trầm nổi trôi của lịch sử, những cuồng vọng của các ý hệ. Và như lời của như thi hào R.M. RILKE, đó là hồn thiêng cao cả duy nhất đủ sức khai tâm tất cả chúng ta[20].

Đến đây tôi hy vọng chia sẽ được quí vị lý do tại sao chỉ cần đọc qua các bản văn tôi đã trở thành thân thuộc với tác giả, tại sao tôi không còn vướng mắt một tơ vương ái ngại nào nữa khi phát biểu về giá trị văn hóa của ba bộ sách của LS Lâm Lễ Trinh trong ngày hôm nay.

Kính cám ơn tác giả và trân trọng kính chào quí vị.







Phụ trương F

Tiễn biệt một người bạn


Điếu văn Đọc trong ngày lễ an táng Lm GS Nguyễn Văn Thành
17/11/2008

Bạn Thành, Anh Thành, Thầy Thành, Cha Thành kính mến,

-     Thay mặt cho người trong gia đình, thân quyến của Anh tại Việt-Nam cũng như đang sống rãi rác khắp thế giới,
-      thay mặt cho bạn hữu của anh, các giám mục, linh mục, các cựu chủng sinh xuất thân từ mái ấm chủng viện Huế, cho học sinh, giáo sư từ Trường Thiên Hữu nơi mà anh đã từng học và từng làm giám đốc,
-       thay mặt cho các sinh viên mà anh tận tụy phục vụ, các giáo sư mà anh luôn mải là huynh đệ chân tình, tại các Đại Học Huế, Đại Học Minh Đức, Sàigòn, các Dòng Tu, các khóa huấn luyện cán bộ y tế, các khoá Đại Học Hè , các Tuần Lễ Văn Hóa Xã Hội Việt Nam Hải Ngoại,
-       thay mặt cho những người khuyết tật tâm thần mà anh đã hiến trọn mấy chục năm sống để yêu thương và đồng hành với họ,
-    thay mặt cho những người đang tích cực dấn thân phục vụ sinh hoạt văn hóa giáo dục trong và ngoài nước,

chúng tôi xin nghiêng mình trước linh cửu của anh.

Giây phút nầy đây, tôi muốn học bài học của anh để có đôi lời về anh, với bà con, bạn bè đang quay quần bên anh trong nguyện đường đan viện Thánh Mẫu Fatima Orsonnens nầy, và với anh. Bài học đó là lòng thành thực mà suốt những ngày tháng cùng sống với anh tôi đã học được.
Những người có duyên gần gũi anh, trong mối tương giao Bạn Thành, Anh Thành, Thầy Thành hay Cha Thành…, hẳn đều đồng ý với tôi một điểm: con người của anh đúng là THÀNH.
Đúng như thế, thời gian 36 năm sát cánh bên anh, tôi chứng thực đã tìm gặp được nơi anh kho tàng quí giá nhất, đó là lòng thành thực của người ngay chính.
Tuy đồng hương Quảng Trị với anh, cùng xuất thân từ tiểu chủng viện thuộc địa phận Huế, cùng đã từng học trường Thiên Hữu, cùng dấn thân phục vụ trong lãnh vực văn hóa giáo dục như anh, nhưng mải đến năm 1972, tôi mới thực sự gặp anh tại Văn Phòng của Viện Đại Học Minh Đức, Sàigòn. Và từ đó, trong 36 năm, tưởng chừng như chúng ta luôn đồng hành bên nhau trong cuộc sống cũng như trong sinh hoạt nghề nghiệp và văn hóa.
Nơi môi trường giáo dục đại học nầy, người giáo sư chuyên môn về tâm lý thực nghiệm Nguyễn Văn Thành đã giúp Hội Đồng Phân Khoa Nhân Văn và Nghệ Thuật Đại Học Minh Đức thiết lập lần đầu tiên trong lịch sử giáo dục Việt nam Ban Tâm Lý Thực Nghiệm.
Bước đường tiên phong của vị giáo sư Trưởng Ban Tâm Lý chưa đầy 35 tuổi nầy không những mở ra một bộ môn mới, nhưng, qua phong cách sư phạm đầy tình người của Thầy Thành,  nó cống hiến cho đất nước Việt Nam một gương mẫu trong sinh hoạt của con người trí thức, của nhà giáo dục.
Giáo án, tài liệu, sách báo giáo sư Thành viết ra, lối giảng dạy của Thầy Thành, lời tâm sự chia sẻ với đồng liêu, cung cách cư xử với bạn hữu, cái nhìn, thái độ im lặng lắng nghe trong cuộc sống… thật kỳ lạ vì tưởng chừng tất cả như là lời tâm sự của mẹ nói với con, lời trìu mến giữa đôi tình nhân đang đắm đuối, và hơn hết là như lời cầu nguyện âm thầm vọng ở đằng sau chữ viết, ở trong ánh mắt, ở nơi nụ cười hiền hòa. Đúng thế, nơi Nguyễn Văn Thành, ai ai có duyên gặp gỡ hẳn nhận ra được một con người thành thực với một cuộc sống nội tâm kỳ diệu.
Chính nhờ nguồn sinh lực sâu kín của tâm hồn, ngưồn sinh lực mà tác giả Nguyện Văn Thành gọi là Phật tính, là Thần Lực của Thánh Thần Thiên Chúa ban cho mỗi người, mà Nguyễn Văn Thành đã vượt qua, vượt lên được những dị dạng, vấp ngã, yếu hèn mà mỗi người, anh, tôi, tất cả chúng ta, đang mang trong người, để tìm gặp, tôn trọng, tha thứ, thân thương và khoan dung một cách thành thực đối với nhau.
Chính nguồn sinh lực sâu kín của tâm hồn ấy thúc đẩy Nguyễn Văn Thành thể nghiệm những bước đường canh tân, đối thoại và thành thực yêu thương trong cuộc sống cũng như trong sự nghiệp văn hóa giáo dục của mình:
Không phải Nguyễn Văn Thành đã khai phá được con đường có thể gặp gỡ giữa văn hóa dân gian, văn chương quần chúng với kiến thức khoa học hàn lâm hay sao?
Không phải chính Anh đã can đảm viết khảo luận tựa đề Từ Tâm Lý Đến Đức Tin hay sao?
Không phải chính Anh là tác giả đã giúp người đọc nhận ra những nguyên nguồn của tâm thức tôn giáo làm cầu nối cho ngôn ngữ truyền thống Phật giáo và Kitô giáo gặp gỡ nhau hay sao?
Phải, Nguyễn Văn Thành là con người tài ba trong nhiều địa hạt; nhưng bên trên tài ba đó, Nguyễn Văn Thành là người trí thức, là nhà giáo dục chân chính, là hiền nhân, vì Nguyễn Văn Thành đã biết tiếp nhận và sống Thần Lực đến từ bên kia bờ, vì Nguyễn Văn Thành giữ được Đạo Tâm.
Nguyễn Văn Thành ấy luôn là người con thân yêu của Đất Nước và của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam, và mải là bậc thầy cho nhiều thế hệ mai sau.

Chúng tôi ngậm ngùi vĩnh biệt, Bạn Thành, Anh Thành, Thầy Thành, Cha Thành  kính mến.

Và xin được cùng Anh là người khiêm tốn, nhân hậu và đem lại an bình cho nhiều tâm hồn, xin được cùng Anh là kẻ tin vào sức mạnh yêu thương của Đức Kitô mà anh là linh mục của Ngài, và là người lữ hành của niềm hy vọng cứu độ mà Ngài mang đến cho Anh và cho chúng ta,
xin được cùng Anh lặp lại lời chúc phúc của Ngài:

Phúc cho người khiêm tốn hiền lành, vì họ sẽ nhận đất làm gia nghiệp.
Phúc cho người nhân hậu hay thương xót, vì họ sẽ được xót thương,
Phúc cho người kiến tạo hòa bình, vì họ sẽ được gọi là con của Thiên Chúa
Mt 5, 4. 7. 9

















Mục Lục


Lời tựa
Chương dẫn nhập
Văn hóa và đạo làm người

Chương I
Tự thân có phải là nền tảng cho chân lý hay không ?

Chương II
Ý nghĩa của tên gọi Việt Nam và định hướng văn hóa

Chương III
Nguyên tượng Người Nữ Âu Cơ
trong huyền thoại Việt Nam

Chương IV
Ý nghĩa nhân tính trong văn hóa Cổ Hy lạp

Chương V
Thi hào Eschyle
Thân phận làm người và  cuộc chiến giữa Tài và Mệnh

Chương VI
CUỘC CHIẾN LÀM NGƯỜI
BẢN BI KỊCH  OEDIPE-VUA  CỦA SOPHOCLE

Chương VII
Hòa bình theo Nho học

Chương VIII
Hòa bình theo Lão học
Chương IX
Hòa bình nơi cửa Phật
Chương X
Hòa bình trong văn hóa Việt-nam

Chương XI
Tình yêu trong văn hóa

Chương XII
Kiều của NGUYỄN DU (1766-1820)



PHỤ TRƯƠNG

Phụ trương  A
Đại Học Hè Việt Nam Hải Ngoại
Một đóng góp cho cuộc phục hưng văn hóa

Phụ trương  B
Tnh thần Nguyễn-Trường-Tộ

Phụ trương C
Xưng hô trong gia đình Việt nam


Phụ trương  D
Nhớ lại ý nghĩa Thi Ca của Cổ Nhân
Đọc tập thơ Kinh Vô Thường
của nhà thơ Võ Thạnh Văn

Phụ trương E
Phát biểu về ba tác phẩm
Về nguồn, Thức tỉnh
Vietnam, a painful transition
của LS Lâm Lễ Trinh

Phụ trương F
Tiển biệt một người bạn

Điếu văn Đọc trong ngày lễ an táng Lm GS Nguyễn Văn Thành



Hết






[1]  Năm 968 sau kỷ nguyên, Đinh Bộ Lĩnh, sau khi dẹp xong các sứ quân khác, tự tôn xưng là Đinh Tiên Hoàng đế, đặt tên nước là Đai Cồ Việt và đóng đô ở Hoa Lư
[2] Ngôn ngữ nho học gọi là giáo  chi và cử hiền
[3] TRẦN Trọng Kim, Việt Nam Sử Lược, 1925 ; tái bản  Institut de l’Asie du Sud-Est, Paris 1987, quyển 1 trang 101
[4]  Đại Việt Sử Lược, Khuyết Danh  # 1377 đến 1388. Bản dịch Nguyễn Gia Tường. Xuất bản TPHCM 1933, trang 222
[5]. Chữ tôi, tớ ở đây là đại-danh-từ, nhưng có nguồn gốc phát sinh là chữ tôi, tớ  ( danh từ: có nghĩa là ngừi bên dưới, người giúp việc trong nhà)
[6] Ngũ Kinh là những bản Hiến Chương của Nho học.  Đạo Đức Kinh, Nam Hoa Kinh là những bản văn nền tảng của Lão học…
[7]  Luận Ngữ ,XVI-13
[8] Xem ARISTOTE, Métaphysique A 10, 993 a 15: Tư tưởng của thời xưa, vì còn thô sơ và còn mới bắt đầu, dường như còn chập chững trong việc hiểu biết mọi vật.
[9] HERACLITE, Câu. 1. Logos (Lời Thi Ca) con người ta không bao giờ hiểu được, dẫu chưa từng nghe hay đã được nghe qua .       
[10] Bài thơ của Parménide , I, 1-10.
[11] Xem Sách Sáng Thế
[12] Xem HÉRACLITE, câu 34
[12] SOPHOCLE, Oedipe-Vua, câu  400- 410 ; Người mù Tirésias nói  với Prométhée : Bởi vì ông sỉ nhục tôi là kẻ mù, tôi sẽ nói cho ông hay việc này: Ông có hai mắt, nhưng ông không thấy ông đã rơi vào hố thẳm, ông không biết ông đang ở đâu và ăn nằm với ai. Ông có hay ai sinh ra ông không? Ông không hay chính ông là thù địch của người thân của ông, kẻ sống cũng như ngưới đã khuất
[13] Xem HÉRACLITE, câu 34 : Họ nghe mà không hiểu gì, không khác những người điếc. Cách ngôn áp dụng đúng trường  hợp của họ: Họ hiện diện, nhưng kỳ thực đang vắng mặt 
[14]  Trang TNam Hoa Kinh , cuốn XXIV.
[15] F. NIETZSCHE – Le gai savoir - l'Insensé  125
[16] Xem Lĩnh Nam Chích Quái của Vũ Quỳnh.
[17] LÊ Văn SIÊU, Việt Nam Văn Minh Sử Cương, Nhóm Khởi Hành, Đức Quốc, tái bản 1990, tr. 23.
[18]VŨ Quỳnh, Tựa cuốn Lĩnh nam Chích Quái , bàn dịch Lê Hữu Mục, Huế 1960
[19]  Sào Nam Phan Bội Châu, Khổng Học Đăng, Khai Trí, Sàigòn xb, 1973, Phàm Lệ (1929).
[20] R.M. RILKE, Sonnets  à Orphée, 1, 22, trad J.F.Angelloz : "Chỉ có cái gì tồn tại mới khai tâm chúng ta"

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét