Chương I - Tự thân có phải là nền tảng cho chân lý hay không ?

Chương I

Tự thân có phải là nền tảng cho chân lý hay không ?



Gặp gỡ và đối thoại văn hóa là đề tài thường được nhắc đến trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay. Và triết học vốn được truyền thống tây phương quan niệm như là phần thiết yếu của văn hóa, có phận vụ khai mở ý nghĩa nhân tính, hẳn sẽ cống hiến những hướng dẫn cần thiết cho nỗ lực nầy.

Nhưng, thực tế dường như rất phức tạp và khó khăn.

Thực vậy, triết học không thể quan niệm được khi đi ra ngoài hai yếu tố được thu gọn trong châm ngôn gnôthi séautón, luôn được xem là chìa khóa mở lối con người hoàn thành nhân tính trong chân lý. Nói cách khác, nếu hiểu biết (la connaissance) và tự thân (le soi) không còn là tiền đề căn bản cho chân lý về nhân tính, thì triết học không còn lý do tồn tại nữa. Xác định hai nội dung nền tảng ấy như là chuẩn mực cho chân lý đã được văn hóa tây phương xem như là một phép lạ Hy-lạp, nghĩa một khám phá mà nội dung vượt ra ngoài phạm vi địa lý và lịch sử giới hạn, một khám phá có tính cách quyết định và phổ quát làm chuẩn mực cho bất cứ một sinh hoạt văn hóa, một triển khai tư tưởng nào, ở mọi nơi, mọi lúc [1]. Văn hóa tây phương và tư tưởng triết học sẽ tự mâu thuẩn với mình khi vượt ra bên ngoài những tiền đề được xem như đã là hiển nhiên và phổ quát ấy. Hệ luận là khi nói đến nỗ lực đối thoại văn hóa trong công cuộc toàn cầu hóa hiện nay thì người ta không thể nào làm khác hơn là tiếp tục ‘hội nhập’, nghĩa là đánh giá, xếp đặt lại các nền văn hóa khác dựa trên những chuẩn mực của tư tưởng triết học. Ba thế kỷ 18, 19, 20 vừa qua, thế giới đã chứng kiến những cuộc giao lưu văn hóa rất đa dạng[2], nhưng không đi ra ngoài khuôn khổ hội nhập như thế. Đối thoại văn hóa ngày hôm nay sẽ là một lối tổng hợp qui mô hơn, có tính cách toàn cầu như tên gọi của dự án đã gợi ý, nhưng luôn vẫn là phần nối dài con đường hội nhập truyền thống? Hay đã đến lúc phải đương đầu đương đầu với một thách thức khác ?

Nhiều tác giả đã nhận ra rằng vấn đề tiên quyết của đối thoại văn hóa, và dĩ nhiên là vấn đề thiết yếu của triết học, không còn là nỗ lực thu thập những dữ kiện dị biệt của các nền văn hóa nhằm hướng đến một tổng hợp dựa trên những nền tảng được xem là vững chắc đương nhiên của triết học như các thế kỷ vừa qua đã thực hiện. Nhưng điều đáng suy nghĩ trong thời đại chúng ta, là thắc mắc về chính điều chúng ta chưa từng suy nghĩ.[3]


1. Câu thắc mắc của chúng ta: Tự thân có phải là chân tính của con người không?

Điều chúng ta chưa suy nghĩ ở đây không phải là chúng ta sẽ phải suy nghĩ về một cái gì mới lạ tiếp theo những khám phá trước đây trong chuỗi dài liên tục của lịch sử các nền văn hóa trên thế giới từ xưa đến nay. Nhưng điều chúng ta chưa từng suy nghĩ nầy giả thiết một bất ngờ, một đứt đoạn, một bước nhảy ra khỏi toàn bộ đất trời của điều được tiền kiến là văn hóa và tư tưởng để có thể nghe được lời chất vấn: “Tự thân có phải là chân tính của của con người hay không ?” Nếu tư tưởng được nêu lên như hơi thở, như tác động thiết yếu của nhân tính, thì nguyên lý đồng nhất theo lối hiểu của truyền thống triết học có phải là nguyên lý của tư tưởng không?

Điều chúng ta chưa từng suy nghĩ phát xuất từ câu chất vấn như thế cũng không phải là đã không xuất lộ trong lịch sử nhân loại, nhưng sử mệnh của văn hóa như tự căn phải mang lấy nghiệp quên lãng lời chất vấn ấy ngay khi thiết định căn tính của mình. Văn hóa Hy-lạp tây phương và truyền thống triết học cống hiến cho chúng ta chứng tích đó.

Từ tiền kiến chân lý phải dựa trên tự thân, vị thầy của lối suy tư triết học, Aristote [4] đã làm cuộc tổng hợp cổ kim, biến những thi sĩ, những nhà bi kịch, những nhà tư tưởng Hy-lạp trước ông chỉ một vài thế kỷ thành những kẻ mò mẫm suy tư, chập chững từng bước trước ngưỡng cửa triết học. Socrate, con người được Platon ghi lại trong những tác phẩm đầu của ông, đặc biệt trong Đối thoại Charmide, là nhân vật lội ngược dòng suy tư của các nhà thông thái ngụy biện khi nhận ra nền tảng lung lay của tự thức để tiếp cận ý nghĩa nhân tính, thì trong nháy mắt bị truyền thống triết học biến thành bậc thầy tiên phong khai phá ra nền tảng bất kháng của tư tưởng nơi chính tự thức ấy. Từ bước trật chân nầy, những cách đặt lại vấn đề tư tưởng được xem là căn đế từ Descartes, Kant, Hegel đến Nietzsche, những tổng hợp đa dạng tiếp sau những chung đụng với các truyền thống ngoài triết học như các nội dung tôn giáo, các nền văn hóa tiền triết học hoặc ngoài triết học..., tất cả những đổi thay ngoạn mục ấy không vượt ra được vòng vi của vùng đất trời tự thân khởi nguồn từ nguyên lý đồng nhất [5]. Người ta đã nói đến phép lạ Hy-lạp, và đúng như thế vì sau cái nháy mắt kỳ lạ ấy, mọi cảm thức xa cách vụt biến. Theo lối nói của Hegel [6] là người ta đã tìm ra được quê hương của chân lý; quê hương ấy là một hiện tại trường kỳ “ở đây, thuộc về ta” [7] Ngoài vòng vi của hiện tại trường kỳ ấy, không có gì để nói và để nghe. Âm vọng của chữ chưa như một bất ngờ có thể giúp con người lắng nghe được lời chất vấn về chính nguyên lý đồng nhất trong tương quan với nhân tính, âm vọng ấy tự căn không thể lọt vào vùng đất trời hiện tại trường kỳ nầy.

Vấn đề chúng ta đặt ra là ngày hôm nay chúng ta phải tiếp tục hiểu chữ chưa như truyền thống triết học từ Aristote đến Nietzsche đã hiểu, để chủ xướng đối thoại văn hóa như một giai đoạn hội nhập kế tiếp và liên tục của truyền thống tư tưởng ấy? Hay đã đến lúc dám đối đầu với chữ chưa như một hố thẳm của vấn nạn mà Socrate đã nêu lên khi đề cập đến khôn ngoan: tự thức có phải là tư tưởng, là yếu tính của nhân tính không? Tự thân có phải là chân lý không ?
Hố thẳm của vấn nạn ấy làm lung lay nền tảng suy tư truyền thống triết học.Đó là nội dung của thành ngữ chưa trong câu nói “điều thời đại chúng ta chưa từng suy tư...” . Chữ chưa nầy mang một nội dung xa lạ, khác với bất cứ một chữ chưa nào hàm ngụ nơi các lối nói của ‘thời đại chúng ta’.

2.      Thắc mắc về tương quan tự thân và ý nghĩa nhân tính xuyên qua lịch sử truyền thống triết học
Cảm thức về nguy cơ thiếu nền, xa quê nơi chính truyền thống văn hóa mình, nơi chính thế giới văn minh của mình khi lắng nghe được lời chất vấn về tương quan giữa nhân tính và tự thân, trước hết sẽ giúp triết học nhận ra biến cố khai sinh ra mình đúng là một phép lạ Hy-lạp. Nhưng phép lạ ở đây không phải là bước nhảy vọt vào vùng đất chân lý của nhân tính, mà trái lại là chứng nhân lịch sử của nghiệp làm người gắn liền với khả tính lạc lầm tự căn. Vì thế, trong âm hưởng của lời chất vấn về tương quan giữa tự thân và ý nghĩa nhân tính, việc quay nhìn lại những giai đoạn quan trọng của truyền thống triết học từ buổi bình minh đến những bước phát triển của nó sẽ dấy lên những thắc mắc :

1/ Những nhà tư tưởng thi ca và bi kịch Hy-lạp, thường được gọi là tiền Socrate, là những kẻ đã lắng nghe được điều mà truyền thống triết học chưa từng suy tư và đã thuật lại âm hưởng đó? Hay họ chỉ là những kẻ chập chững chưa đi vào được câu hỏi chính xác, chưa am tường những nguyên lý tối hậu làm nền tảng cho cho tư tưởng ?

2/ Socrate là một nhà tư tưởng bi kịch Hy-lạp, là nhân vật tư tưởng bằng chính cuộc chiến bi thương nơi cuộc sống hằng ngày của mình và ngay cả lúc lìa đời, cuộc chiến giữa cảm thức về lời chất vấn bất ngờ và những hiểu biết của tự thức, để hoàn thành nhân tính? Hay Socrate là một trong những nhà thông thái bên cạnh những triết gia ngụy biện, một vị tiên phong đề xướng tự thức là khôn ngoan, là ý nghĩa nhân tính, và với tư thế nầy ông phải được xem là vi khai sinh ra triết học ?

3/ Platon, chứng nhân thảm kịch Socrate, nhà tư tưởng của thi ca, trong nháy mắt biến Socrate thành đồ đệ của trường phái ngụy biện và đề xuất nền tảng của tư tưởng trên nguyên lý đồng nhất - một bước nhảy bất ngờ khai sinh tư tưởng triết học -: Khoảng cách giữa hai khả tính kỳ lạ nơi nhân tính qua hai khuôn mặt ấy của Socrate có thể còn nhận ra không? Hay khoảng cách ấy đã bị che khuất bởi lý thuyết về hai cảnh giới dị biệt, cảm năng và trí năng, gắn liền với tiền kiến chân lý là tự thân ?

4/ Aristote, được gọi tên là “triết gia”, là ‘thầy dạy tư tưởng’, qua câu nói bất hủ mở đầu cho cuốn Siêu hình: “Mọi người, tự nhiên, đều có ước muốn hiểu biết” đã định vị tư tưởng, ý nghĩa nhân tính trên nền tảng gọi là tự nhiên. Tự nhiên ở đây là sự hiển nhiên, là ánh sáng tràn lan không còn có gì che dấu, của nguyên lý đồng nhất, của chân lý như là tự thân. Liệu truyền thống suy tư dựa trên tiền đề: “Mọi người, tự nhiên, đều có ước muốn hiểu biết” nhằm trả lời cho mọi câu hỏi ‘cái gì ?’ trong bất cứ lối đặt vấn nào (từ Aristote đến Nietzsche) về ý nghĩa nhân tính, có phải là chứng tích thân phận lãng quên của con người về lý lịch căn nguyên của mình hay không ?

5/ Thời tân kỳ, thời của Ánh Sáng, là thời vượt qua được giấc ngủ võ đoán của tư tưởng triết học truyền thống trong khả năng lắng nghe lời chất vấn về ý nghĩa của nhân tính? hay thời ấy cũng chỉ là những hình thức khai triển khác nhau, những biến thái đa dạng của tự thân trong lịch sử ?

3. Một thoáng nhìn xuyên qua lịch sử văn hóa tây phương

a/ Thắc mắc về tương quan tự thân (le soi) và ý nghĩa nhân tính trong tư tưởng cổ Hy lạp: Thân phận con người trong cuộc chiến giữa tự thân và Mệnh.

Ngay trong khuôn khổ văn hóa Hy-lạp mà thôi thì tự thân không phải là khám phá riêng của triết học. Các thi hào, kịch gia và các nhà tư tưởng thường được gọi là ‘những nhà tư tưởng tiền Socrate’ đã nói đến tự thân như một sự xuất lộ kỳ dị của nhân tính, một nghiệp mang vào thân của bất cứ ai làm người, một lỗi căn nguyên đánh mất ý nghĩa nhân tính. Nhưng bên cạnh thực tại nhân sinh đang quên lãng chân tính nơi nghiệp tự thân với lối nói ‘lời của con người’, con người lại còn có khả tính lắng nghe được Logos, Lời khác lạ và vượt lên ‘lời của con người’ của mình. Ý nghĩa nhân tính được cảm nghiệm nơi cuộc chiến giữa tự thân và tương quan đến từ Logos là nội dung duy nhất của bi kịch, của tư tưởng và văn hóa nói chung. Cuộc chiến làm nên ý nghĩa của nhân tính được trình bày bằng nhiều hình thức diễn tả khác nhau. Hai tác phẩm Prométhée bị trói của Eschyle và Oedipe-Vua của Sophocle cống hiến lối trình bày về cuộc chiến làm người ấy trong lối diễn tã gọi là Bi kịch Hy-lạp.
Cũng nằm trong bối cảnh của tư tưởng bi kịch Hy-lạp nầy, hai nhà tư tưởng Héraclite và Parménide, và đáng lưu ý hơn cả là Socrate đã tập chú vào một nội dung duy nhất, đó là bổn phận cảnh giác con người về nguy cơ của tự thân được tiền kiến như là nền tảng cho chân lý. Tự thân đi vào lịch sử văn hóa thành Nhã Điển lúc đương thời của Socrate như là tự thức (se connaitre). Qua các tác phẩm thời kỳ đầu của Platon, đặc biệt cuốn Đối Thoại Charmide, chúng ta thấy Socrate kêu gọi người đương thời đi sâu vào nền tảng của tự thức để nhận ra được nền tảng ấy lung lay trước lời chất vấn về chân lý, về ý nghĩa nhân tính.


b/ Nguyên lý đồng nhất và tự thân được đón nhận là nền tảng của truyền thống triết học

Có hai Platon, một Platon là chứng nhân của một Socrate bị những người ‘thông thái’ đương thời xem là đối thủ, và một Platon nêu tên Socrate như là người thông thái hơn cả trong những người thông thái, làm phát ngôn viên cho tư tưởng triết học. Socrate triết gia sẽ không đưa lời nói con người đến tình trạng mắc cạn trước lời chất vấn về nền tảng của mình để cảm nhận một chiều kích khác của nhân tính, nhưng là Socrate truy tìm và giải thích nguyên lý làm nền cho mọi lời con người: đó là nguyên lý đồng nhất.
Tiếp nối công trình của Platon, Aristote khai triển tự thân như là Tự Nhiên, dứt khoát đẩy lui bóng dáng tư tưởng thi ca của thời kỳ bi kịch Hy-lạp. Từ nay, ý nghĩa nhân tính không còn là thắc mắc duy nhất của văn hóa, của tư tưởng: bắt đầu từ Aristote, tư tưởng là sự hiểu biết thấu đáo về mọi sự vật, và điều được gọi là thấu đáo đó gọi là bản chất và bản chất tiền kiến được hiểu là tự thân. Từ Aristote, mọi câu hỏi của tư tưởng sẽ dựa trên nền tảng của chữ cái gì hàm ngụ bản chất (tự thân) chung cho mọi đối tượng của hiểu biết : - Thần thánh là gì? - Con người là gì? Cây cỏ, cái bàn là nhũng cái gì?

c/ Những biến thái của ‘tự thân như là chân lý’ trong thời đại tân kỳ

Descartes, Kant, Hegel, Nietzsche những triết gia tiêu biểu cho những nét mới của thời đại tân kỳ đối chiếu với lối suy tư triết học được gọi là cổ điển và kinh viện. Mỗi một người trong họ đều muốn đặt lại tận căn câu hỏi về chân lý, nhưng, liệu lối đặt vấn đề ấy có vượt qua được tự thân vốn là nền của triết học không !
Kỳ thực, ngã suy tư của Descartes, ngã tiên nghiệm của Kant, tinh thần tuyệt đối của Hegel, siêu nhân của Nietzsche là tác động triển khai những thuộc tính của tự thân trong lịch sử. Thời đại tân kỳ, thời tự nhận là Thời Ánh sáng, nhưng ánh sáng mà thời đại nầy tuyên dương cũng chính là lửa đánh cắp (lửa gian dối) mà Prométhée-con-của-Gaia (Đất) mang lại[8], cũng là ánh sáng đôi mắt của con người tài trí Oedipe[9], là sự hiển nhiên của chân lý nơi Tự Nhiên của Aristote. Nét tân kỳ của Dionysos nơi Nietzsche như điểm cùng của triết học, nét cổ truyền của Eros nơi Platon trong Đối Thoại Bửa Tiệc khai trương truyền thống ấy: đôi dòng xem ra xuôi ngược nhưng cả hai đếu ở trên một đại dương chung, đó là biển cả của tự thân.

4.      Thách đố của tư tưởng trong thời đại chúng ta

Hẳn nhiên, nhân loại và ngay cả văn hóa tây phương không phải chỉ có lối tư tưởng của truyền thống triết học. Mặt khác, các truyền thống văn hóa nhân loại cổ kim, đông tây cũng không thể nằm bên ngoài ‘Thời Chúng Ta’, nghĩa là ở trong thân phận chung của con người luôn gặp nguy cơ ngủ mê trong một vùng đất nào đó của tự thân mà triết học là một chứng nhân. Lời nói của Blaise Pascal, một nhà tư tưởng được xếp bên lề truyền thống triết học, có thể gợi lên một điều đáng cho con người thời đại chúng ta suy nghĩ:

“Toàn bộ lớp lớp người sống qua các thế kỷ phải được xem như cũng là một con người luôn mãi tồn tại và học tập liên tục”[10].

Đối thoại giữa những con người, những nền văn hóa khác nhau trong thế giới hôm nay phải chăng là chỉ trao đổi những ‘lời con người’, hay còn là gặp gỡ nhau và gặp gỡ chính mình nơi thắc mắc về điều mà thời đại chúng ta, nghĩa là thân phận làm người nơi lịch sử, chưa từng suy nghĩ: tự thân có phải là nền tảng cho chân lý không?





[1] Xem G. GUSDORF, Traité de métaphysique, Armand Colin, Paris, 1958, tr. 8: “...La solution ainsi trouvée au problème du commencement de la philosophie décide ensemble de son avenir. L’histoire de la philosophie, identifiée à l’ère socratique, se donne pour tâche de collectionner les images de ceux qui ont posé comme Socrate la question philosophique, et mis en oeuvre pour y répondre des méthodes analogues aux siennes. De sorte que le commencement est aussi la fin. Du fait que l’on commence par Socrate, on finit avec lui; on limite le champ de la sagesse humaine au conservatoire d’une tradition...”

[2] Chẳng hạn những lối tiếp cận văn hóa Ấn Độ của Schopenhauer, văn hóa tiền Socrate của Nietzsche, lịch sử tư tưởng nhân loại xuyên qua các nền văn hóa cổ-kim, đông-tây của Hegel...
[3] Xem M. HEIDEGGER, Qu’appelle- t-on penser? Trad. Aloys BECKER et Gérard GRANEL, PUF, 1959, p 24: “Ce qui donne le plus à penser dans notre temps qui donne à penser est que nous ne pensons pas encore”.
[4] Xem ARISTOTE, Physique I, 184 b - 192 a, Métaphysique A
[5] Xem PLATON, Phèdre 245 c- e.
[6] Xem HEGEL, Lecons sur l’Histoire de la Philosophie moderne (WW XV, 328).
[7] Xem Faust de GOETHE: Lời của Mephistopheles vào cuối bản kịch: Her zu mir ! (v.4613)
[8] Xem ESCHYLE, Prométhée bị trói.
[9] Xem SOPHOCLE, OEdipe-Vua.

[10]  PASCAL Blaise, Fragment d’un trait du vide (petite éd. BRUNSCHVICG, Pensées et opuscules, p. 80) “Toute la suite des hommes, pendant le cours de tant de siècles, doit être considérée comme un même homme qui subsiste toujours et qui apprend continuellement.”

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét