Chương X
Hòa bình trong văn hóa Việt-nam
Lấy hình ảnh bên ngoài, cuộc sống của con người thường được gọi là đi.
Trong chuyến đi nầy, con người có nhu cầu muốn biết con đường mình đi có phải
là đúng đường hay không. Tiếng Trung hoa gọi là đạo. Và ngôn ngữ Việt-Nam
vẫn giữ nguyên chữ nầy.
Kẻ nào bước đi trên đường thật thì được gọi là tuân giữ đạo. Người nào bạo
tàn, khinh khi sự thật thì gọi là vô đạo. Chu
toàn bản tính của mình, thực thi phẩm giá và bổn phận chính đáng của mình, người
Việt chúng ta gọi là sống trọn đạo làm người.
Vì mình ở đúng vào sự thật của thân phận mình, đi đúng con đường của
mình, nên không cư ngụ nơi chỗ sai trật, tạo hỗn loạn; người Việt chúng ta dùng
chữ “yên” (lấy từ tiếng Tàu ‘an’, là ở vào đúng vị trí) để
diễn tả hòa bình. “Yên” không phải ở một chỗ, nhưng hành động mà không
trái với bản tính mình, không làm sai phẩm giá mình, không tạo rối loạn và
thương tổn đến kẻ khác. Nên chữ yên còn nối kết thêm chữ “lành”.
Lành” là tốt, là thiện, nhưng chỉ tốt khi ở trong sự thật, tức là “yên”.
Không biết những tiếng Trung hoa chỉ về hòa bình đã thấm nhập vào ngôn
ngữ Việt Nam từ thời kỳ nào cho chính xác, nhưng ít nhất cho đến thời đại chúng
ta, mỗi người đều thấy những cách nói về hòa bình qua chữ “thuận hòa” đã
là một gia sản của chính mình, trở thành những đại mẫu mực hướng dẫn suy tư và
hành động của chúng ta. Nếu yên lành như
nói lên tình trạng, phẩm chất của một cá nhân, một bản tính, thì “thuận hòa” lại
gợi lên những tương quan. Ngày nay người ta nói rõ thêm “thuận với Trời, hòa với
người”, nhưng từ nơi hai chữ thuận - hòa không mà thôi, ta ý thức được ngay về
sự hiện hữu của kẻ khác. Kẻ trước mặt buộc mình phải nhìn nhận và tôn trọng.
Thuận-hòa không phải đường ai nấy đi, nhưng cùng đi trong sự tôn trọng kẻ khác
để một người một nét tạo thành sự nhịp nhàng. Lấy thí dụ của bản nhạc: một âm
thanh không làm nên bản nhạc, nhưng ở trong cương vị của một nốt nhạc nằm đúng
vị trí của mình, và phải phối hợp với các nốt khác trong toàn bản nhạc. Tương
quan đó là hòa. Nên Nho học cũng lấy hình ảnh âm nhạc để nói đến sự hoàn thành
đạo làm người: Thành ư nhạc.
Ta cũng không biết một cách thật chính xác là từ thời đại nào trong lịch
sử dân tộc mình những hình ảnh, tập tục gợi lên những cương thường [1] hướng dẫn cuộc sống, thường gọi là Văn Hiến, đã phát
sinh. Nhưng hầu như phải là xa xưa lắm.
Dân gian thường nêu lên con số 4000 năm Văn Hiến. Đây phải chăng là một
con số có giá trị biểu tượng của văn hóa như số 40 trong những năm tháng trong
sa mạc của dân Do-thái, 40 ngày trong sa mạc của Chúa Kitô... để nói đến thời
gian con người tại trần thế!
Không những xa xưa về mặt thời gian, nhưng những câu truyện nầy còn được
tiếp nhận qua các thế hệ người Việt như phát xuất từ tận đáy lòng mình, nằm
trong Đại-Ký-Ức của dân tộc mình.
Câu chuyện bánh dày, bánh chưng...là hình ảnh của vương đạo, tức là đạo cao
cả làm người. Hòa bình theo đạo làm người ở đây là người nối kết với Trời
(bánh dày tròn) và với Đất (bánh chưng vuông chỉ thời gian, đất). “Trời” là gì,
không ai chỉ được, nhưng cảm nhận ngay là một cái gì Khác, có đó
mà ta không thấy, bao trùm tất cả nhưng không phải là bất cứ cái gì trong tất cả
mọi sự mà con người suy thấu được. Một cái gì mông lung, vô tận, tay không với
được, nhưng cho con người ánh sáng và nước uống. “Đất” tuy cũng bao la so với
bước chân đi của con người, nhưng vẫn là cảnh giới hữu hạn trong tầm tay với của
con người. Con người cảm nghiệm Đất nơi thời gian qua đi với sự sống và sự chết,
với không gian mà ta có thể định phương hướng. Tổ tiên người Việt Nam tượng
trưng cho “Đất” là vuông[2], là
4 góc, là nơi con người sinh ra và cũng là chốn chôn lấy con người khi nó chết.
Đường đi cao cả của con người là sự nối kết Đất - Trời, là thân phận vừa
hữu hạn và vừa vươn đến vô tận. Con đường đó dẫn lối cho Lang Liệu lên ngôi vua
thể hiện vương đạo.
Và câu truyện sẽ làm giềng mối đó được tôn vinh trong tập tục dân Việt Nam ,
khi con cháu lấy bánh dày, bánh chưng là dấu chứng của ngày vui đầu
năm mới. Con đường vương đạo cao cả như ngọn đuốc soi cho một thế giới mới,
mở ra một thời gian mới, tân tạo lại cuộc sống. Tổ tiên ta không nói đến “Salom”
để chúc nhau « hòa bình » khi gặp gỡ, nhưng để lại bài học bánh dày,
bánh chưng nhắc nhở đạo Hòa bình, Yên lành.
Câu truyện thứ hai là nguồn gốc sinh ra ý nghĩa hòa bình.
Khi truy nguyên thật kỹ lưỡng các câu truyện huyền thoại Việt Nam ,
điều làm ta ngạc nhiên là dường như không có những sự tích về nguồn gốc con người
xét về phương diện nguyên nhân và hậu quả trong cuộc sống vật chất, thể lý theo
khuôn khổ thế giới tự nhiên. Nhưng ta cũng sẽ hết sức ngạc nhiên không kém khi
câu chuyện về tổ tiên dòng tộc người Việt lại là một bài học về yêu thương, về
đạo làm người.
Lạc Long Quân lấy bà Âu Cơ và sinh hạ được một bọc :
Hơn bảy ngày, trong bọc nở ra một trăm trứng, mỗi trứng là một con trai,
nàng đem về nuôi nấng, không phải cho ăn, cho bú mà tự nhiên trường đại, trí
dũng song toàn, ai cũng úy phục, bảo nhau đó là những anh em phi thường.[3]
Những con số như 7 ngày (thất hóa), những chi tiết như ‘không
phải cho bú, cho ăn’, có thể giúp ta hiểu đây là câu truyện muốn chỉ đến một
nội dung khác hơn là ưu tư giải thích về nguồn gốc đời sống tự nhiên. Đây là
bài học của đạo làm người, một con nguời « linh ư vạn vật ».
Con số trăm nói đến nhiều và khác biệt. Nhưng mỗi người đều từ một
cái trứng như nhau, và cũng đã nằm trong một cái bọc chung sinh ra từ Một cha
và Một mẹ. Bài học hòa bình trong thuận hòa đó đã đi sâu vào ngôn ngữ Việt Nam khi gọi
nhau là “đồng bào” (cũng từ một bụng của Mẹ mà sinh ra), khi cảm nghiệm
rằng mỗi người đều là anh em do nơi Nguồn duy nhất nầy.
Nói đến hòa bình là nói đến phúc đức, và chúng ta sẽ không thể quên đi tập
tục phổ biến về việc hái lộc đầu xuân. Lộc là lá non, là sự sống
nguyên sơ của thiên nhiên, của Đất-Trời. Lộc được hái ngày đầu năm, tại một nơi
xa trần thế như cảnh chùa, trên núi…. Hình ảnh không gian và thời gian đó hàm
ngụ lời cầu xin ân phúc, kêu gọi sự hiện diện của Thần –thánh, của Siêu Việt, đến trong ngày tháng sinh hoạt của con người.
Và điều ân phúc con người cầu xin trước hết là sự Yên lành.
Trong sự nhất quán của sức sống văn hóa nầy, các giá trị trong xã hội được
sắp đặt ưu tiên trên dưới như để gợi lên ý nghĩa sâu kín về các bậc thang giá
trị nơi mỗi cuộc sống con người.
Với bốn sinh hoạt xã hội: Sĩ,
Nông, Công, Thương, nếu nhìn từ quan điểm méo mó (thuần khoa học xã hội mà
thôi), thì chúng ta dễ cho rằng rằng đây là một trật tự phong kiến, thiếu ý thức
bình đẳng. Nhưng nói đến tâm tư, nói đến hồn sống của một dân tộc là nói đến một
loại ngôn ngữ khác, ngôn ngữ của thi ca, tư tưởng và văn hóa.
Không ai có thể nghĩ người Việt khờ khạo đến độ tin rằng một bà gọi là
Âu Cơ thực sự đẻ ra cái bọc trăm trứng... Nhưng câu chuyện quái dị đó là hình ảnh
thi ca gợi lên tình huynh đệ, đồng bào. Nội dung và trật tự các chữ sĩ, nông,
công, thương hẳn nhiên đã chứng kiến sự chuyển đổi từ nội dung thi ca,
văn hóa thành một lối đánh giá thuần xã hội. Nhưng cho dẫu có sự sa sẩy ý nghĩa
như thế, câu hỏi vẫn đặt ra là tại sao xã hội truyền thống lại quí trọng cách sắp
xếp nầy? Khi dân kính trọng một vị tu trì, một thiền sư, một linh mục... hẳn
không chỉ vì người đó là con người như bao người khác, nhưng có phần hơn. Phần
hơn đó là sự kính trọng một giá trị nào đó ẩn kín mà con người thiền sư
hay linh mục cưu mang: đó là giá trị thần thánh. Sĩ, nông, công,
thương cũng thế. Những tình trạng xã hội nầy cưu mang những giá trị chung của
cuộc sống sinh hoạt của mỗi một người và của xã hội.
Sĩ được xem không những
là kẻ học biết được đạo lý thánh hiền, đạo lý cao siêu mà người thường không có
duyên may biết đến; nhưng sĩ còn được hiểu là người can cường thực thi đạo lý
đó. Nên trong sinh hoạt thôn làng, kẻ sĩ không phải chỉ là kẻ có học hành, tài
giỏi về hiểu biết sự vật, nhưng còn là kẻ đạo đức và truyền bá thực thi đạo đức.
Kẻ sĩ không phải là ông quan, cũng không phải nhà phú hộ, nhưng là sức mạnh của
đạo lý. Và trong việc tôn vinh đạo lý, kẻ sĩ là tiêu biểu cho giá trị làm người
trong đạo lý, giá trị đáng phải được trọng hơn cả.
Nông là hình ảnh của kẻ
tiếp cận thiên nhiên, tuân theo thời tiết, đem lại cơm ăn cho cuộc sống thể xác
con người. Họ được tôn vinh bực nhì vì nơi họ giá trị của sự thuần phác, tự
nhiên, không giả tạo.
Công xếp vào hạng ba,
không phải vì coi rẻ lao động, khinh thường mồ hôi nước mắt của con người, và
việc làm bằng tay chân. Người làm việc thợ thuyền có thể sạch tay hơn nghề
nông, giàu có và thảnh thơi hơn người cày bừa. Nhưng công việc của họ làm gợi
lên một ý nghĩa khác (như ta thấy hình ảnh bàn tay tạo nghiệp nơi các nền văn
hóa khác): dùng lý trí, tài năng mà làm ra, không thể cao hơn điều Trời Đất ban
cho mình. (xem Nguyễn Du, truyện Kiều về chữ Tài). Chữ Công cưu
mang một giá trị đạo đức gắn liền với quan điểm về bản tính con người. Tài trí
con người không thể cao hơn đạo đức của Tâm bên trong.
Thương, chữ nầy cưu mang một
sinh hoạt hoàn toàn giả tạo. Không phải chỉ vì giới nầy gợi lên tính cách tiêu
cực của việc ham mê tiền của vật chất nơi mỗi người; nhưng đây là hình ảnh của
nỗi bận bịu cân đo đong đếm trong sinh hoạt con người quên đi bóng dáng của Thần
thánh cũng như của con người. Tương quan không còn là tương quan Trời với người
(sĩ), Đất với người (nông), người với Đất–Trời (công, vị
thế đổi ngược), nhưng tương giao nhân loại nay trở thành đổi chác đồ vật với
nhau (thương). Sinh hoạt nầy diễn tả được tình trạng con người rơi vào cảnh
vực vắng bóng Trời, Đất, người.
Ta cũng thấy thái độ khác lạ
của Chúa Kitô đối với những thương gia trong đền thờ (xem Mt 21,12-13). Không
phải vì nghề đó xấu, không phải có sự phân chia giai cấp, giới nầy với các nghề
nghiệp khác... Nhưng như Chúa Kitô nói, và nói cho mỗi người :
Nhà Ta sẽ gọi là nhà
cầu nguyện; và các ngươi đã làm cho nó trở thành nơi tụ tập của phường trộm cắp!
(Mt
21,13).
Để rõ hơn, Matthieu sau đó lại nêu lên lời Thánh vịnh :
Nơi miệng của những trẻ thơ
và mới sinh, Người đã nói lên một lời ca tụng? (Tv 8,3)
Nói cáck khác, “thương”
hàm ngụ sự cách xa nguồn nguyên thủy nơi con người trong tương giao với Trời Đất
và với người đồng loại. “Thương” cưu mang thế giới xa Đạo, thế giới của
hỗn loạn, trộm cướp.
Trật tự của “an lành” nơi
con người, qua hình ảnh xã hội, được truyền thống văn hóa Việt Nam gợi lên: “Sĩ,
Nông, Công, Thương” là sự ưu tiên chọn lựa các giá trị trong cuộc sống
con người tại thế. Nói cách khác, khi có những đảo lộn, những nghiệt ngã của cuộc
sống, có thể hy sinh tất cả, nhưng không thể mất kẻ sĩ, vì “sĩ ” là tiêu biểu
cho con ngườiù bước đi trong chân lý, Đạo làm người, thuận và hòa.
Và đạo nghĩa chân lý làm
người, là con người được tự do.
Lịch sử dân tộc Việt Nam được
kết dệt bằng những cuộc chiến đấu anh hùng vì tự do cho đồng bào. Khi con dân bị
nô thuộc ngoại bang, những vị nam, nữ anh hùng hào kiệt đứng lên khởi nghĩa;
khi vua Chúa bạo hành vi phạm nhân phẩm của con dân, người hiền đứng lên tố
giác hay lật đổ cơ cấu cai trị đầy tội ác.
Những kẻ sĩ người hiền “bạo
hành”, “chủ chiến” đó lại được tôn vinh là những kẻ kiến tạo “an lành” cho con
người.
Rõ rệt hòa bình không phải
là chỉ vắng bóng chiến tranh, không phải là ổn định trong sự nô thuộc cường quyền
và tội ác. Truyền thống văn hóa dân tộc đã sống con đường hòa bình, luôn mãi kiến
tạo hòa bình bằng cách đẩy lui tội ác và cơ cấu tội ác để xã hội đi đúng đường
thật, tôn trọng nhân phẩm và tự do.
Ngoài ra, chúng ta đều biết
văn hiến, tập tục, cuộc sống xã hội, lịch sử quốc gia vốn cũng đã nằm trong mối
tương giao văn hóa với các dân tộc quanh mình. Người Việt Nam chúng ta đã thấm
nhập tinh hoa của Tam giáo cũng như sau nầy còn thấm nhập sứ điệp Kitô giáo và
văn hóa Tây Phương.
Qua các thời đại lịch sử, ảnh
hưởng của Nho, Phật, Lão nơi các triều đại của nước ta tùy lúc có thăng có trầm.
Và hơn nữa, việc áp dụng có lúc vì nhu cầu quyền lực chính trị chỉ dừng lại ở
phần ứng dụng thôi. Nhưng với thời gian, nhất là nhờ sự hội nhập uyển chuyển của
dân chúng, bên trên những khác biệt về phần ứng dụng và phương cách diễn tả,
người dân Việt Nam thoáng thấy có một nguồn chung, và thường các nhà sử học hay
dùng lối nói : tam giáo đồng nguyên.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét